Thanh Hóa tăng cường tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn

(SHTT) - Tiêm phòng vaccine là giải pháp kỹ thuật dễ làm nhất, chi phí thấp nhất, mang lại hiệu quả nhất trong công tác phòng, chống bệnh dại.

 Thanh Hóa là tỉnh có tổng khoảng 385.000 con chó đứng thứ 3 cả nước. Việc quản lý đàn chó ở vùng nông thôn, miền núi còn gặp nhiều hạn chế, tình trạng chó thả rông còn phổ biến. Công tác rà soát, thống kê tại các huyện miền núi, trung du chưa chính xác, dẫn đến tỷ lệ đàn chó được tiêm vaccine phòng bệnh dại đạt tỷ lệ thấp so với tổng đàn chó trên thực tế. Đây là nguyên nhân lớn nhất, tồn tại kéo dài nhiều năm qua, dẫn đến chưa thể kiểm soát được bệnh dại...

 

Thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa cho thấy, trong 10 năm qua bệnh dại đã làm chết 31 người, hơn 85.145 người phải điều trị dự phòng bệnh dại. Đặc biệt, chỉ tính riêng những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 ổ bệnh dại trên động vật, làm chết 2 người và 86 người bị phơi nhiễm. Hàng năm có khoảng 10.000 người phải điều trị dự phòng bệnh dại, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế và sức khỏe người dân.

 Để giảm người phải điều trị dự phòng bệnh dại, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế và sức khỏe người dân Thanh Hóa đã quyết định lấy năm 2024 là "Năm cao điểm tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn". Đây là giải pháp kỹ thuật dễ làm nhất, chi phí thấp nhất, mang lại hiệu quả nhất trong công tác phòng, chống bệnh dại.

Theo đó, các ngành, chính quyền địa phương các cấp triển khai quyết liệt điều tra, giám sát, tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo. Sau 15 ngày triển khai thực hiện tiêm phòng đợt 1 năm 2024, Thanh Hóa đã tiêm được 175.890 liều vaccine dại cho chó, mèo.

Để kiểm soát hiệu quả bệnh dại trên địa bàn tỉnh, ngăn chặn nguy cơ gia tăng số người phải điều trị dự phòng do động vật cắn, giảm thiểu các ca tử vong, tiến tới chấm dứt tình trạng động vật có khả năng gây bệnh dại, đặc biệt là chó, mèo thả rông..., tỉnh Thanh Hóa đang triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó người đứng đầu UBND các cấp phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh dại.

PV