Nhật Bản: Phát minh loại kính đặc biệt có khả năng tự liền

(SHTT) - Các nhà khoa học Nhật Bản đã thành công khi phát minh ra một loại kính đặc biệt, có khả năng tự phục hồi sau khi nứt vỡ. Đây được xem là cuộc cách mạng lớn trong ngành công nghiệp.

Được biết, phát hiện có tính đột phá trên thuộc về nhà khoa học Yu Yanagisawa thuộc Đại học Tokyo (Nhật Bản). Yu Yanagisawa đã quan sát thấy hiện tượng kỳ thú này khi nghiên cứu chất keo dính có thể sử dụng trên bề mặt ướt. Trong một cuộc thí nghiệm công khai, tiến sĩ Yanagisawa đã cắt một miếng thủy tinh thành hai đoạn ngắn và ghép chúng lại nguyên vẹn trong vòng 30 giây. Sau đó, ông đã đổ nước lên đoạn thủy tinh và lượng nước hoàn toàn nằm gọn trên mặt kính.

Ông cũng cho biết nghiên cứu này sẽ còn cần thời gian dài để hoàn thiện trước khi được ứng dụng trong đời sống như mặt kính điện thoại hay đồ gia dụng.

 Nhật Bản: Phát minh loại kính đặc biệt có khả năng tự liền

Chất liệu mới thực chất là polymer có thuộc tính tương tự như kính và acrylic về độ trong suốt, tính ổn định và khả năng cứng cáp. Chất liệu này sẽ được sử dụng cho các sản phẩm có độ bền bỉ cao.

Loại polymer mới khác chất liệu tự liền trước đây ở chỗ nó rất cứng và không cần nhiệt độ cao. Chỉ cần một lực ấn rất nhẹ là đã có thể giúp vật liệu tự liền lại khi bị rạn vỡ. Chỉ cần 30 giây, loại vật liệu mới sẽ quay lại trạng thái gắn liền ban đầu.

Trước đó các nhà khoa học khác cũng từng chứng minh đặc tính "tự hồi phục" của các vật liệu như cao su hoặc chất keo đặc, nhưng Yu Yanagisawa là người đầu tiên chứng minh được khái niệm về thủy tinh "tự lành".

Khám phá này mở đường cho việc chế tạo ra loại thủy tinh siêu bền có thể giúp tăng gấp 3 lần tuổi thọ các sản phẩm như cửa sổ xe hơi, bể cá, bồn cầu...

Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Yanagisawa, phát minh này sẽ có ý nghĩa lớn trên khắp mọi lĩnh vực của đời sống: "Nghiên cứu này hướng tới việc chế tạo một loại thủy tinh an toàn và bền chắc cũng như đảm bảo không bao giờ có các vết rạn nứt nguy hiểm”.

Hải Linh