Cảnh giác trước chiêu trò mời mua vé máy bay giá rẻ dịp Tết Nguyên đán

(SHTT) - Lợi dụng nhu cầu mua vé máy bay về quê, đi du lịch vào dịp Tết Nguyên đán của người dân, nhiều đối tượng xấu đã và đang tung ra những chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản.

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) mới đây đã phát đi thông tin cảnh báo về chiêu trò mời mua vé máy bay giá rẻ dịp Tết 2024.

Theo đó, cơ quan chức năng nhận định, thời điểm hiện tại đến Tết Nguyên đán 2024 được cao điểm các đối tượng lừa đảo lợi dụng nhu cầu mua vé máy bay về quê, đi du lịch… của người dân nhằm chiếm đoạt tài sản.

Dù đây không phải chiêu lừa mới nhưng thủ đoạn "thao túng tâm lý" của các đối tượng ngày càng tinh vi khiến nhiều nạn nhân vẫn bị sập bẫy.

 

Theo đó, các dối tượng lừa đảo sẽ tạo lập Fanpage giả mạo, đăng bài quảng cáo để thu hút sự chú ý của người dùng. Khi có nạn nhân tìm đến, đối tượng hướng dẫn họ làm theo yêu cầu đăng bài trên Facebook với nội dung bán vé máy bay giá rẻ. Để tạo lòng tin, các đối tượng đồng phạm còn giả làm khách đặt mua vé máy bay và tự tạo giao dịch thành công.

Ngay sau khi người bị hại chuyển tiền, đối tượng lập tức chặn Facebook, xóa toàn bộ dấu vết các tài khoản đã sử dụng liên hệ. Bên cạnh hình thức giả mạo tài khoản mạng xã hội, nhiều đối tượng còn tự nhận là nhân viên của hãng nên có chiết khấu cao, giả mạo đại lý ủy quyền để đưa ra các mức giá hấp dẫn khiến nhiều người mắc bẫy.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo, khi có nhu cầu mua vé máy bay, người dân nên trực tiếp đặt vé qua website chính của hãng hàng không hoặc gọi trực tiếp lên tổng đài nếu không thành thạo việc đặt vé qua mạng.

Bên cạnh đó, trước khi thực hiện bất cứ giao dịch nào, người dân cần tìm hiểu kỹ và xác nhận thông tin mã vé và kiểm tra có hiệu lực, đồng thời yêu cầu nhân viên của hãng soát lại thông tin hành trình bay, hành khách bay. Đặc biệt, không nên giao dịch qua bên trung gian thứ ba hay các đại lý khi không rõ về chất lượng, độ uy tín.

 

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng khuyến cáo, lợi dụng tâm lý muốn 'kiếm thêm' dịp cuối năm, trên các nhóm tìm việc online, những thông tin quảng cáo, tuyển dụng việc làm thêm liên tục được đăng tải rầm rộ: tuyển người bình luận sản phẩm, đánh máy đề cương… với mức lương từ 100.000 - 300.000 đồng/ngày; cộng tác viên bán vé máy bay chiết khấu hoa hồng lên đến 20%; cắt mác quần áo nhận tiền công liền tay; cộng tác viên vận đơn. Đối tượng tuyển dụng được nhắm đến chủ yếu là các mẹ bỉm sữa, học sinh, sinh viên, người lao động có thu nhập trung bình - thấp đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm thêm.

Khi các đối tượng này bị mắc bẫy sẽ bị các đối tượng dẫn dắt thực hiện theo các hành động mà chúng đã lên kế hoạch nhằm chiếm đoạt tài sản.

Trong quá trình lừa đảo, các đối tượng liên tục dồn ép nạn nhân khiến anh bị ảnh hưởng tâm lý, rơi vào trạng thái hoang mang, lo lắng và sợ rằng sẽ không lấy lại được số tiền buộc anh phải tiếp tục chuyển tiền. Khi số tiền nạp lên đến hàng chục triệu đồng, đối tượng lừa đảo đã nêu lý do rất khó tin như: tài khoản bị đóng băng; hệ thống lỗi... để trì hoãn việc rút tiền. Từ đó chiếm đoạt hoàn toàn tài sản của nạn nhân.

Trước những chiêu thức này, Cục An toàn thông tin khuyến nghị người dân tuyệt đối không làm theo yêu cầu tạm ứng trước tiền; không nên tin tưởng vào những đề nghị việc nhẹ lương cao, tham gia vào các lời mời làm việc không yêu cầu kinh nghiệm nhưng được trả mức lương trên trời để không rơi vào bẫy lừa của đối tượng xấu dịp cuối năm.

Đặc biệt, cơ quan chức năng cũng cảnh báo người dân không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng hay mã OTP cho bất cứ ai để tránh mất tiền oan.

Khánh An