Bá Thước phát triển du lịch gắn với sản phẩm nông nghiệp, làng nghề truyền thống

(SHTT) - Xác định đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai phương án kết nối giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, làng nghề truyền thống tại các điểm du lịch.

 Quyết đưa nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện vào cuộc sống, huyện Bá Thước đã tổ chức xây dựng kế hoạch kết nối cung, cầu, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, làng nghề truyền thống tại các cơ sở nghỉ dưỡng, lưu trú trong Khu du lịch Pù Luông.

Sản phẩm dệt thổ cẩm huyện Bá Thước được nhiều khách hàng ưa chuộng.

Theo Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bá Thước ngày 1/7/2021 về “Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch huyện Bá Thước giai đoạn 2021-2025”. Thực hiện nghi quyết trong những năm gần đây, huyện Bá Thước đã tập trung khai thác và phát huy giá trị các sản phẩm nông nghiệp bản địa để phục vụ phát triển du lịch, tổ chức xây dựng kế hoạch kết nối cung, cầu, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, làng nghề truyền thống tại các cơ sở nghỉ dưỡng, lưu trú trong Khu du lịch Pù Luông

Sản phẩm Khâu nhục - lạp sườn họ Hoàng đã trở thành thương hiệu lớn của quê hương thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước.
Khâu nhục món ăn truyền thống họ Hoàng, sản phẩm OCOP chất lượng 3 sao.

Đến nay huyện đã xây dựng thương hiệu nhiều sản phẩm nông lâm sản đặc sắc phục vụ du lịch. Hiện đã có với 24 sản phẩm nông nghiệp, làng nghề truyền thống đăng ký trưng bày tại 10 cơ sở lưu trú trong Khu du lịch Pù Luông, gồm: Mật ong rừng Pù Luông, lạp sườn, khâu nhục họ Hoàng, trà, siro, enzyme, muối quýt hoi, thịt trâu gác bếp, túi thơm hạt dổi, hạt khẻn, vịt Cổ Lũng, thổ cẩm, rượu cần, đũa tre, bánh nhãn, gạo nếp hạt cau, cá trắm sông Mã.

 
Sản phẩm nông nghiệp của huyện được du khách lựa chọn khi về với Bá Thước 

Đang trên đà phát triển, phát huy những thế mạnh vốn có, trong thời gian tới, huyện Bá Thước xây dựng các làng nghề trở thành điểm thăm quan, trải nghiệm mua sắm của du khách, đồng thời bảo tồn phát huy làng nghề, tuyên truyền vận động bà con nhân dân truyền dạy nghề.

Bá Thước đưa các làng nghề truyền thống thành điểm tham quan, du lịch. 

Mở rộng quy hoạch, mở rộng vùng nguyên liệu phục vụ làng nghề, làm tốt công tác quảng bá giới thiệu sản phẩm để việc tiêu thụ được tốt. Tiếp tục đẩy phát triển đa dạng các nông lâm sản có thế mạnh của địa phương. Giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất gắn với truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, đồng thời đẩy mạnh việc trưng bày và bán tại các cơ sở kinh doanh. Tiếp tục đẩy mạnh kết nối giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, làng nghề truyền thống tại các điểm du lịch,  Huyện chỉ đạo các cơ sở lưu trú xây dựng các gian hàng giới thiệu sản phẩm, với không gian sử dụng 9m2; đồng thời hình thành các quyển catalogue đưa các sản phẩm vào từng cơ sở lưu trú để khách tham khảo, lựa chọn mua và sử dụng sản phẩm theo nhu cầu, từ đấy các sản phẩm nông nghiệp của huyện Bá Thước được mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân.

                                   Nguyễn Khang