Daihatsu, công ty thành viên thuộc Toyota có thể thiệt hại tới 100 tỉ Yen vì bê bối

(SHTT) - "Tùy thuộc vào quy mô, thiệt hại của Daihatsu có thể lên tới 100 tỉ yen (700 triệu USD) hoặc hơn" nhận định của chuyên gia Seiji Sugiura, Viện nghiên cứu Tokai Tokyo.

Ngoài việc tổn thất về doanh số, Daihatsu còn phải đàm phán với các nhà cung cấp về việc bồi thường doanh thu bị mất do ngừng sản xuất cũng như hỗ trợ chi phí cho các đại lý bán xe Daihatsu bị khách hàng quay lưng sau bê bối. Tại Nhật Bản, Daihatsu có hơn 423 nhà cung cấp cấp 1 và 30.000 đại lý bán xe trên cả nước.

 Thiệt hại của Daihatsu có thể lên tới 100 tỉ yen 

Khoản bồi thường này dự kiến sẽ rất lớn và nó sẽ đi kèm với các chi phí phát sinh từ việc điều tra và kiểm tra an toàn bổ sung. Ông Seiji Sugiura tại Viện nghiên cứu Tokai Tokyo cho biết: “Tùy thuộc vào quy mô bồi thường, thiệt hại của Daihatsu có thể lên tới 100 tỷ yên hoặc hơn”.

Toàn bộ nhà máy tại Nhật Bản của Daihatsu đã phải tạm dừng hoạt động vô thời hạn, trong khi hầu hết các hoạt động vận chuyển ở Indonesia và Malaysia đã hoạt động trở lại bình thường.

Daihatsu báo cáo lợi nhuận của hoạt động kinh doanh là 141,8 tỷ Yên và lợi nhuận ròng là 102,2 tỷ Yên trong năm tài chính 2022. Và vụ bê bối có thể đẩy Daihatsu vào tình trạng báo động đỏ với khoản lỗ đầu tiên sau 30 năm.

Nhật Bản chiếm khoảng 60% trong số 1,42 triệu xe được sản xuất trong năm tài chính vừa qua của Daihatsu. Daihatsu cũng sản xuất xe ở Indonesia và Malaysia cũng đã sản xuất khoảng 300.000 xe. Daihatsu cũng sản xuất ô tô cho thị trường Nhật Bản và xuất khẩu cho các thương hiệu Toyota, Subaru và Mazda với tư cách là nhà sản xuất gốc.

Daihatsu cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược của Toyota nhằm phát triển xe điện mini ở Nhật và xe cỡ nhỏ ở các thị trường mới nổi, đang phát triển.

Năm nay, dự kiến lợi nhuận hoạt động của Toyota sẽ tăng 65% so với năm ngoái lên 4.500 tỷ yên. Nhưng nếu Daihatsu bị lỗ hơn 100 tỷ yên, lợi nhuận của Toyota vẫn có thể bị ảnh hưởng.

Cổ phiếu của Toyota đã chạm mức thấp nhất trong hai tháng trở lại đây, trước bối cảnh nhiều rủi ro về tác động của vụ bê bối Daihatsu và những lo ngại về quản trị tập đoàn của công ty.

Bộ giao thông vận tải Nhật Bản đang tiến hành cuộc điều tra riêng và đã chỉ đạo Daihatsu tạm dừng bàn giao xe cho đến khi có thể xác minh được mức độ an toàn của các sản phẩm của mình. Bên cạnh đó, công ty cũng có thể phải đối mặt với các hình phạt khác, bao gồm cả việc thu hồi chứng nhận cần thiết để sản xuất thương mại.

TH