Đường sách TP.HCM lần đầu tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật đón năm mới

Sau 8 năm hoạt động, Đường sách TP.HCM lần đầu tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật chào năm mới 2024, cùng nhau nhìn lại quá trình thúc đẩy văn hóa đọc trong một năm vừa qua.

Tối 31/12, Đường Sách TP.HCM phối hợp cùng dự án "Gương mặt Việt Nam", "Gương mặt truyền hình" của Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật "Chào năm mới 2024 - Rực rỡ Việt Nam".

Đây là lần đầu tiên không gian quen thuộc với người dân thành phố - Đường Sách TP.HCM - có dịp khoác lên mình những màu sắc tươi mới, hòa cùng không khí nhộn nhịp mùa lễ hội dịp cuối năm và chào đón năm mới Giáp Thìn 2024. Bên cạnh mục đích tạo không gian giải trí cho người dân và du khách nhân dịp Tết Dương lịch, chương trình còn góp phần lan tỏa văn hóa đọc đến với cộng đồng.

Được biết đến là kho tri thức khổng lồ của thành phố, năm vừa qua, Đường Sách TP.HCM là địa điểm được nhiều nhà văn, tác giả cùng những nhà phát hành sách lựa chọn để giới thiệu, lan tỏa các tác phẩm của mình. Chính những hoạt động chia sẻ tại không gian đặc biệt này đã góp phần mang văn hóa hóa đọc đến gần hơn với người dân.

Tại chương trình, các chuyên gia, tác giả trong lĩnh vực sách, xuất bản cùng hội ngộ và kể nhau nghe câu chuyện về văn hóa đọc trong một năm vừa qua.

 Ông Lê Hoàng - Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM.

Theo ông Lê Hoàng - Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM, có rất nhiều chương trình giao lưu văn nghệ, nhưng văn nghệ mang cái hồn của sách, đưa văn hóa đọc vào nội dung cốt lõi của nó, đây là việc mà những người làm xuất bản rất mừng. 

"Với sự thuận lợi phát triển của sách, năm 2024 sẽ có sự kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật khác cùng với sách chuyển tải nội dung mới hơn đến với bạn đọc ngay tại Đường sách TP.HCM", ông Lê Hoàng cho biết.

Cũng theo ông Lê Hoàng, năm 2023, sách được mở rộng đời sống của nó, đi vào cuộc sống bằng nhiều loại hình khác. Chẳng hạn, tại không gian của báo chí vẫn có những triển lãm gắn với sách được viết bởi các nhà báo. Như vậy, sách được tôn vinh, nhiều thuận lợi đi vào đời sống - đó là điều đáng mừng của người làm sách.

 Ông Lê Hoàng Thạch - Giám đốc công ty TNHH Công nghệ WEWE.

Ông Lê Hoàng Thạch - Giám đốc công ty TNHH Công nghệ WEWE (ứng dụng sách nói Voiz FM) - bày tỏ sự phấn khởi khi nhận thấy văn hóa đọc có sự tiến triển, dần gắn liền với đời sống của người dân TP.HCM.

Theo ông Thạch, hiện tại về số lượng đầu sách tại Voiz FM năm 2023 ít hơn năm vừa rồi, với tình hình kinh tế khó khăn, nhìn chung ngành xuất bản vẫn chưa có nhiều đầu sách mới. Tuy nhiên, Voiz FM luôn cố gắng tạo nên sách nói với chất lượng cao. "Chúng tôi có nhiều thời gian để trau chuốt sản phẩm sách nói. Dù kinh tế khó khăn nhưng Voiz FM ghi nhận hơn 3,5 triệu người dùng, đây là tín hiệu đáng mừng", ông Thạch nói.

Năm 2023, sách nói và các loại hình sách điện tử là động lực để tạo dựng thói quen trong văn hóa đọc. Ông Thạch - cho rằng các ứng dụng công nghệ đã đi vào đời sống và được mọi người sẵn sàng đón nhận. Dự định đến 2024, Voiz FM phát triển thêm các hoạt động review sách, tọa đàm, livestream để giới thiệu được nhiều tựa sách hơn đến với bạn đọc. 

 Đường sách TP.HCM là không gian quen thuộc của nhiều bạn đọc.

Bà Quách Thu Nguyệt - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hoa Sen - đánh giá năm 2023 là năm đầy khắc nghiệt nhưng sách và văn hóa đọc vẫn phát triển với sự nỗ lực lớn người làm sách,..

"Nhiều người quan niệm rằng giới trẻ quay lưng với văn hóa đọc nhưng thực tế chúng ta vẫn thấy khi chúng ta tạo điều kiện, tạo môi trường thì người trẻ sẽ tiếp cận với nó. Với dự án thư viện số Nguyễn An Ninh, chúng tôi vẫn xây dựng nền tảng công nghệ thư viện số để có thêm nguồn tài liệu cho bạn đọc, kết nối với người làm sách", bà Nguyệt chia sẻ.

Nhân dịp này, Đường Sách TP.HCM cũng tri ân 5 đơn vị nhà xuất bản, nhà phát hành sách có hoạt động sôi nổi trong năm qua tại không gian Đường Sách TP.HCM: Nhà Xuất bản tổng hợp TP.HCM, Nhà Xuất bản Trẻ, Nhà Xuất bản Kim Đồng - Chi nhánh TP.HCM, Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam, Công ty cổ phần Sách Thái Hà.

Võ Liên