Doanh nghiệp nên tra cứu thông tin trước khi nộp đơn bảo hộ tài sản trí tuệ

Cần tra cứu các thông tin về sở hữu công nghiệp trước khi nộp đơn để tránh trùng lặp, giảm thiểu các chi phí, đặc biệt giảm thiểu quá trình xử lý đơn tại Cục Sở hữu Trí tuệ.

Ngày 23/11, tại TP.HCM, chương trình hội nghị “Kết nối tìm hiểu nhu cầu và tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khoa học và công nghệ về sở hữu trí tuệ” do Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ tổ chức.

Hội nghị nằm trong khuôn khổ nhiệm vụ “Hỗ trợ phát triển thị trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển các nền tảng trực tuyến liên kết, kết nối các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” thuộc Đề án 844.

 Các chuyên gia của Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ đã tư vấn miễn phí cho doanh nghiệp tại hội nghị.

Tại hội nghị, TS. Nguyễn Hữu Cẩn - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) - đánh giá cao vai trò sở hữu trí tuệ đối với doanh nghiệp khởi nghiệp. Nếu năm 1975, tài sản vô hình chỉ chiếm 17% giá trị của doanh nghiệp thì đến năm 2020 con số này là 90%.

Theo một nghiên cứu chung của Cơ quan Sáng chế Châu Âu (EPO) và Cơ quan Sở hữu trí tuệ Liên minh Châu Âu (EUIPO), khảo sát hơn 127.000 công ty từ 28 nước thành viên EU trong 13 năm, từ 2007 đến 2019, các doanh nghiệp có sở hữu tài sản trí tuệ tạo ra doanh thu trung bình/người cao hơn 20% so với doanh nghiệp không sở hữu tài sản trí tuệ.

Theo TS Cẩn, đối với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp khoa học công nghệ, thông tin về sở hữu công nghiệp là nguồn lực cho quá trình khởi nghiệp. Từ việc hình thành ý tưởng, nghiên cứu, phát triển, mời gọi, tiếp nhận hợp tác cho đến thâm nhập thị trường, đặc biệt khi lên sàn chứng khoán.

Tại hội nghị, ThS. Bùi Tiến Quyết - Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ - cho biết việc sử dụng, khai thác thông tin sở hữu công nghiệp giúp doanh nghiệp tránh xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được bảo hộ, đánh giá khả năng bảo hộ của các đối tượng sở hữu công nghiệp, đặc biệt là việc phản đối việc cấp văn bằng,…

Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng việc sử dụng, khai thác thông tin sở hữu công nghiệp, đồng thời chưa có nhiều tổ chức chuyên nghiệp hỗ trợ, tư vấn về sử dụng và khai thác thông tin sở hữu công nghiệp hiệu quả.

“Điều này dẫn đến tỷ lệ đơn đăng ký được cấp văn bằng bảo hộ chưa cao, việc bảo vệ quyền đối với tài sản trí tuệ gặp nhiều khó khăn, hoạt động thương mại hóa tài sản trí tuệ, chuyển giao quyền cũng gặp khó”, ông Quyết nói.

Theo bà Huỳnh Thị Anh Thư – Phó Chủ tịch thường trực CLB Doanh nhân khởi sự và hỗ trợ doanh nghiệp tại TP.HCM, quy trình trả kết quả từ khi nộp đơn cho tới lúc có kết quả bảo hộ tài sản trí tuệ hiện nay rất lâu, điều này gây thiệt thòi cho doanh nghiệp.

“Khi doanh nghiệp muốn đưa sản phẩm mới ra thị trường, họ thử nghiệm xong, sau đó bắt đầu đăng ký sở hữu trí tuệ nhưng vì thời gian dài nên nhiều doanh nghiệp quyết định sản xuất ra sản phẩm. Điều này dẫn đến việc dễ bị xâm phạm về sở hữu trí tuệ”, bà Anh Thư nêu lên khó khăn.

 Ông Tạ Quang Minh – Viện trưởng Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ.

Còn theo ông Tạ Quang Minh – Viện trưởng Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ, thực trạng đơn chậm không chỉ có Cục Sở hữu trí tuệ mà nhiều cơ quan khác cũng gặp vấn đề này. Hiện nay, nhiều chủ đơn khi nộp đơn chưa khai thác, tra cứu thông tin dẫn đến có sự trùng lặp nhưng vẫn nộp. Khi nhận đơn, Cục đã biết không được cấp bằng nhưng vẫn phải giải quyết theo quy trình, từ tiếp nhận đơn, xét hình thức, công bố cho đến xét nội dung. 

Ông Minh cho rằng để giải quyết vấn đề trên thì cần phải thúc đẩy hoạt động tư vấn, hướng dẫn và tự tra cứu.

Theo ông Phan Ngân Sơn - Nguyên Cục phó Cục Sở hữu Trí tuệ, việc đơn tồn đọng là luôn luôn có, không chỉ Cục Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam mà còn ở nhiều cơ quan sở hữu trí tuệ trên thế giới. Hiện nay, nhiều người trong quá trình làm đơn còn chưa nắm được nguyên tắc nộp đơn nhanh, dẫn đến quá trình này lâu hơn mong đợi.

Ông Sơn nêu ra lưu ý, khi nộp đơn, có những yêu cầu về thẩm định nội dung và yêu cầu công bố sớm. Để nộp những yêu cầu này đều có quy định của pháp luật cho phép một thời hạn tương đối dài để người nộp đơn cân nhắc câu chuyện có tiếp tục theo đuổi đơn đó hay không, và đưa ra yêu cầu thẩm định nội dung. Chính vì cho phép kéo dài, nhiều người nộp đơn không chú ý, không đưa yêu cầu thẩm định nội dung nên kéo dài 4-5 năm.

Cũng tại hội nghị, các chuyên gia của Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ đã tư vấn miễn phí cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khoa học công nghệ về lĩnh vực sở hữu trí tuệ, tài chính, định giá tài sản trí tuệ,...

Bình Tú