Hưng Yên: Triệt phá cửa hàng kinh doanh quần áo giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng

(SHTT) - Sau khi kiểm tra một cửa hàng kinh doanh quần áo, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên đã phát hiện nhiều quần áo có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Cụ thể, theo thông tin từ phía Cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên, Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 2 phối hợp với Công an huyện Khoái Châu tiến hành kiểm tra Cơ sở kinh doanh quần áo C.X.L, địa chỉ: Thị trấn Khoái Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

Tại thời điểm kiểm tra, ông C.X.L - chủ cơ sở không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; cơ sở đang bày bán nhiều chiếc áo sơ mi nam dài tay và áo sơ mi nam cộc tay, tất cả đều thêu trực tiếp chữ “BURBERRY” lên áo.

Đáng chú ý, những chữ “BURBERRY” thêu trên sản phẩm có đường chỉ may không đều, giá niêm yết là 165.000 đồng/chiếc. Toàn bộ số áo trên có nhãn ghi tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, có dấu hiệu là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Liên quan đến sự việc trên, lực lượng chức năng đã tạm giữ toàn bộ số hàng hoá trên để tiếp tục xác minh làm rõ.

 

Trước đó, lực lượng chức năng cũng đã tiến hành kiểm tra đột xuất quầy hàng bán Quần áo may sẵn địa chỉ tại: chợ thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.

Tại thời điểm kiểm tra Đoàn kiểm tra phát hiện quầy hàng đang bày bán hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, cụ thể gồm: 15 áo khoác nam người lớn nhãn hiệu ADIDAS, 6 áo phông cộc tay nam người lớn nhãn hiệu ADIDAS. Toàn bộ hàng hóa trên không có hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ kèm theo. Tổng trị giá tang vật vi phạm hành chính là 5.400.000 đồng.

Đội Quản lý thị trường số 7 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số tang vật vi phạm để phối hợp với Đại diện chủ sở hữu quyền xác minh các tình tiết liên quan và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Có thể thấy, qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng quản lý thị trường thấy rằng vấn nạn của hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang ngày càng phức tạp và tinh vi.

Cụ thể, đối với vấn đề liên quan đến thương hiệu và nhãn hiệu, trong vòng một năm trở lại đây có 2 loại thương hiệu nhãn hiệu bị xâm phạm. Thứ nhất là các thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng của quốc tế, thứ hai là các thương hiệu của sản phẩm Việt Nam. Trong khoảng một năm trở lại đây, Bộ Công Thương liên tiếp nhận được yêu cầu, những vấn đề thắc mắc cũng như đề nghị phối hợp của các hãng lớn trên thế giới hoặc có nhà máy sản xuất ở Việt Nam.

Ông Trần Hữu Linh – Cục trưởng Cục Quản lý thị trường chia sẻ thêm, vấn đề thứ ba liên quan đến phương thức, ta đều biết rằng hàng giả vẫn từ hai nguồn, thứ nhất từ nguồn nhập lậu, thẩm lậu từ các nước có đường biên giới với Việt Nam vào trong thị trường nội địa và thứ hai là hàng giả được sản xuất ở ngay trong nước. Thế nhưng hiện nay tốc độ phát triển của thương mại điện tử càng ngày càng tăng lên. “Thương mại điện tử trên các nền tảng mạng xã hội và các sàn giao dịch thương mại điện tử bây giờ là kênh để tiêu thụ chính hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ” – ông Linh nhấn mạnh.

Minh Tú