Thị trường 'náo loạn' vì pháo hoa giả: Tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ

(SHTT) - Thời gian gần đây, tội phạm buôn bán, tàng trữ, vận chuyển pháo nổ lại gia tăng hoạt động. Các đối tượng gian thương đã sản xuất pháo hoa giả với nhãn mác y hệt như hàng thật nhằm đánh lừa người tiêu dùng.

Mới đây, tại Hà Nội, Đội QLTT số 1 phối hợp với Đội QLTT số 4 đã tiến hành kiểm tra đột xuất, phát hiện cơ sở kinh doanh tập kết pháo hoa tại căn hộ tầng 2, chung cư mini nằm sâu trong khu dân cư, có địa chỉ: số 23 ngõ 3 phố Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, đang tập kết, kinh doanh hàng hóa là pháo hoa giả mạo của Công ty TNHH một thành viên hóa chất 21 - Bộ Quốc phòng (có địa chỉ tại xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ).

Tại thời điểm kiểm tra, làm việc trực tiếp với đoàn là ông N.V.T, với sự chứng kiến của ông P.T.T và cán bộ Công an phường Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội.

Đoàn phát hiện có 1.459 ống phóng pháo hoa với nhiều kích cỡ được đóng, đựng trong các hộp và giàn phóng, không có hóa đơn chứng từ.

Đại diện Công ty TNHH Một thành viên hóa chất 21 - Bộ Quốc Phòng có mặt tại hiện trường cho biết, kết quả giám định cho thấy toàn bộ số hàng pháo hoa này là hàng giả của Công ty TNHH Một thành viên hóa chất 21- Bộ Quốc Phòng. Đồng thời, đại điện Công ty cho biết thêm, hiện nay nhà máy chưa sản xuất loại 100 ống, nhà máy chỉ sản xuất loại 25 ống và loại 36 ống, còn tất cả các loại giàn mà kích thước cỡ ống nhiều hơn nhà máy chưa sản xuất, vì vậy khẳng định đây là hàng nhái nhãn mác của nhà máy, và thực tế các sản phẩm như này nhà máy còn chưa sản xuất mà đã có mặt trên thị trường.

 

Có thể thấy, vào thời điểm cuối năm, nhu cầu người dân đối với các loại pháo hoa do nhà máy Z121 sản xuất càng tăng cao. Vì vậy các đối tượng gian thương đã sản xuất pháo hoa giả với nhãn mác y hệt như hàng thật nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Tuy nhiên các thủ đoạn này không qua mắt được cơ quan chức năng.

Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quy định về việc nghiêm cấm: Sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ.

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, đặc biệt là mỗi khi tết nguyên đán, tình trạng mua bán, nhập khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo nổ vẫn thường xuyên diễn ra ở nhiều địa phương.

Hành vi mua, bán, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo nổ (kể cả pháo hoa) là hành vi bị nghiêm cấm. Nếu bị phát hiện sẽ đối mặt với việc bị xử lý hành chính hoặc có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tác hại của việc sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng pháo nổ trái phép cũng thường xuyên được cơ quan chức năng cảnh báo. Theo đó, khi đốt pháo trái phép có nguy cơ gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người do pháo và thuốc pháo gây ra. Sử dụng pháo trái phép sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Đốt pháo trái phép gây mất an ninh trật tự ở địa bàn dân cư, nơi công cộng hoặc làm người điều khiển giao thông mất kiểm soát dẫn đến tai nạn giao thông. 

Các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ, chế tạo, sử dụng pháo nổ trái phép sẽ diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ cao, phát sinh các loại tội phạm về pháo nổ, gây mất trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng không khí vui xuân đón Tết cổ truyền của người dân.

Do vậy, với các tổ chức, cá nhân trong quá trình sản xuất, bảo quản, vận chuyển và sử dụng pháo hoa... cần lưu ý; cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sản xuất, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh và sử dụng pháo phải chấp hành nghiêm các quy định tại Nghị định số 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo; QCVN 04:2021/BCA quy định về an toàn trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng và tiêu hủy pháo hoa, pháo hoa nổ.

Minh Anh