Gần 300 công nhân ngừng việc, đình công đòi giải quyết chế độ

Sáng 29/11, hàng trăm công nhân làm việc tại phân xưởng may của Công ty May mặc Mai Lan Anh (tổ dân phố 17, phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) đã ngừng việc, tập trung trước trụ sở chi nhánh đòi chủ doanh nghiệp này giải quyết chế độ lương, bảo hiểm, tăng giờ làm việc, tiền ăn ca...

Gần 300 công nhân đội mưa đòi chủ doanh nghiệp sớm giải quyết các bức xúc. Theo các công nhân, việc đình công này xảy ra 2 hôm nay. Tuy vậy, chủ doanh nghiệp vẫn không gặp gỡ các công nhân để giải quyết tranh chấp về lao động. 

Chị H.T.K.L (làm việc tại bộ phận phụ) cho biết, chủ doanh nghiệp quá ép công nhân, bắt phải tuân theo những điều kiện bất hợp lý.

 Việc đình công diễn ra 3 ngày qua. Ảnh: Nhiệt Băng

Chị L bức xúc: "Công ty không cho công nhân nghỉ 1/2 ngày. 1 suất cơm trưa của công nhân chỉ có 9 nghìn đồng thì không thể đủ sức để làm việc. Nhiều công nhân không biết họ đã được đóng bảo hiểm hay chưa..."

Theo các công nhân, chủ doanh nghiệp yêu cầu tăng ca nhưng lương trả không đủ, tiền tăng ca trả cũng không đủ. Nhiều công nhân làm việc nhưng không có hợp đồng lao động. Chế độ thai sản cũng không được chi trả đầy đủ.

Các công nhân mong các cơ quan chức năng sớm can thiệp, giải quyết. Ảnh: Nhiệt Băng 

Được chi nhánh doanh nghiệp này ký hợp đồng làm việc 2 năm nhưng chị L.T.H (bộ phận tiêu dùng) không biết được tình trạng bảo hiểm của chị như thế nào, dù hằng tháng, lương vẫn bị khấu trừ hơn 300 nghìn đồng.

"Làm 26 ngày công, làm thêm ngày chủ nhật mới có tiền chuyên cần. Công nhân nghỉ một ngày không phép đưa xuống học việc với mức lương 500 đồng/tháng. Nếu công nhân đồng ý thì làm, không thì nghỉ việc" - chị H nói. 

Theo tìm hiểu của Lao Động, tranh chấp lao động này bắt nguồn từ thông báo của doanh nghiệp vào ngày 27.11, với nội dung: Quy định đối với công nhân nghỉ 1 ngày không phép sẽ chuyển về học việc và nhận mức lương như công nhân học việc; không giải quyết các trường hợp xin nghỉ phép 1 buổi/ngày; bắt đầu từ ngày mai (28.11), tất cả công nhân viên mang cơm trưa theo ăn, xưởng không nấu cơm, vì ảnh hưởng đến công tác phòng cháy chữa cháy...

Trước sự việc công nhân ngừng việc tập thể này, chiều 29.11, các cơ quan gồm Sở LĐTBXH, LĐLĐ tỉnh, UBND thị xã Ninh Hòa, LĐLĐ thị xã, Phòng LĐTBXH thị xã... làm việc với lãnh đạo doanh nghiệp và đối thoại với người lao động để tìm hướng giải quyết.

Theo Lao Động