Dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh tại Hà Nội

(SHTT) - Từ ngày 18 đến 25/8, Hà Nội ghi nhận 1.056 ca mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã (tăng gấp 2 lần so với những tuần đầu tháng 8/2023). Cũng trong tuần qua, thành phố Hà Nội có thêm 81 ổ dịch sốt xuất huyết (SXH).

Tính đến ngày 25/8, cả nước ghi nhận 66.386 ca SXH, trong đó 14 ca tử vong đều ở khu vực miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên. Số liệu này là rất thấp so với cùng kỳ năm trước, giảm 61,5% ca mắc, giảm 79 ca tử vong.

Tuy nhiên, tình hình dịch SXH tại Hà Nội lại đáng lo ngại khi có tới 5.190 ca mắc (tăng đột biến 5,3 lần), góp phần vào mức tăng SXH toàn miền Bắc lên 125,2% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, trong tuần qua, thành phố Hà Nội có thêm 81 ổ dịch sốt xuất huyết tại 19 quận, huyện, thị xã. Huyện Hoài Đức ghi nhận số ổ dịch cao nhất 13 ổ dịch, tiếp đến là quận Nam Từ Liêm 9 ổ dịch; quận Đống Đa 8 ổ dịch; 3 quận, huyện: Hoàng Mai, Thanh Trì, Ba Đình - mỗi nơi có 6 ổ dịch; 2 quận: Hà Đông, Hai Bà Trưng 5 ổ dịch; Cầu Giấy 4 ổ dịch; 3 quận, huyện: Thanh Oai, Thường Tín, Thanh Xuân - mỗi nơi 3 ổ dịch...

 

Tổng số ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố Hà Nội từ đầu năm đến nay là 407. Hiện còn 153 ổ dịch đang hoạt động tại 24 quận, huyện; trong đó, một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất có 362 bệnh nhân; xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất có 218 bệnh nhân; thôn Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì 229 bệnh nhân…

Lý giải số ca ở miền Bắc tăng, Bộ Y tế cho biết khu vực này đang trong điều kiện thời tiết mùa hè nóng ẩm, nắng mưa đan xen, tạo thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa nhanh, giao lưu đi lại giữa các vùng miền làm tăng nguy cơ dịch lan rộng.

Môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý, dẫn đến phát sinh các ổ loăng quăng (bọ gậy) của muỗi truyền bệnh. Ý thức người dân trong phòng chống sốt xuất huyết tại một số địa phương chưa cao. Đặc biệt, hiện tượng biến đổi khí hậu và El Nino trong năm 2023-2024 có thể thúc đẩy muỗi sinh sản, khiến bệnh sốt xuất huyết và các bệnh khác do muỗi truyền tăng nhanh.

"Dự báo thời gian tới, dịch có thể diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống, đặc biệt là hoạt động diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy tại các địa phương", đại diện Bộ Y tế cho biết.

Bộ Y tế dự báo trong thời gian tới chuyển mùa mưa, số ca mắc tiếp tục có diễn biến phức tạp, các địa phương cần quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là các hoạt động diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy.

UBND các tỉnh, thành phố cần đảm bảo đủ thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị phòng, chống dịch bệnh. Ngành y tế hiện có đủ nguồn cung ứng dịch truyền Dextran - dung dịch được dùng trong điều trị sốc trên bệnh nhân SXH nặng.

Phạm Tuấn