Chân dung nhà khoa học Việt được Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Anh vinh danh

(SHTT) - Bà Nguyễn Thục Quyên, Giáo sư gốc Việt, đang giảng dạy tại Khoa Hóa và Hóa sinh tại Đại học California, Santa Barbara (UCSB), Mỹ mới đây đã được Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Anh vinh danh trong giải thưởng de Gennes Prize cho những đóng góp trong nghiên cứu về vật liệu và thúc đẩy hóa học trong công nghiệp.

Theo thông tin được công bố trên trang của Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Anh (RSC), GS Nguyễn Thục Quyên, nhà khoa học gốc Việt đang giảng dạy tại Khoa Hóa và Hóa sinh tại Đại học California, Santa Barbara (UCSB), Mỹ  mới đây đã được vinh danh ở hạng mục Giải Hóa học vật liệu 2023 mở rộng (de Gennes Prize 2023).

Giải thưởng là sự ghi nhận những đóng góp xuất sắc trong nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, trong đó tôn vinh những người đặc biệt đã thúc đẩy khoa học hóa học trong ngành công nghiệp và trường đại học.

 

Theo thông tin công bố của RSC, GS Nguyễn Thục Quyên đã chiến thắng giải thưởng với những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của vật liệu bán dẫn hữu cơ và vật lý thiết bị của quang điện hữu cơ để giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Được biết, bà Nguyễn Thục Quyên sinh ra trong một gia đình nghèo tại Buôn Mê Thuột. Do hoàn cảnh, vào năm 1991, bà theo gia đình sang Mỹ định cư.

Từ một người Việt với vốn tiếng Anh là con số 0 tròn trĩnh, bà Nguyễn Thục Quyên đã liên tục phấn đấu vươn lên. Đến nay, bà đã trở thành một trong 4 nhà người gốc Việt được vinh danh trong danh sách những nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới do Thomson Reuters công bố trong suốt 4 năm từ 2015-2019.

Đồng thời, GS Nguyễn Thục Quyên cũng là một trong số ít nhà khoa học nữ nhiều năm liền vào top 1% những nhà nghiên cứu khoa học có nhiều trích dẫn nhất thế giới.

Trong sự nghiệp cá nhân, GS Quyên được giới khoa học chú ý nhờ những đóng góp đi đầu trong vai trò lãnh đạo cho cộng đồng khoa học, giáo dục và nghiên cứu về vật liệu bán dẫn hữu cơ, tối ứu hóa hiệu suất quang điện hữu cơ (OPV) ứng dụng trong các thiết kế tòa nhà tiết kiệm năng lượng.

Tình tới nay, GS Nguyễn Thục Quyên đã công bố và là đồng tác giả của 292 công trình nghiên cứu, bài báo xoay quanh tính chất điện tử của polyelectrolytes liên hợp, giao diện trong các thiết bị quang điện tử, việc tạo và vận chuyển điện tích trong chất bán dẫn hữu cơ, vật liệu mới cho các ứng dụng pin mặt trời hữu cơ...

Trong sự nghiệp khoa học, bà từng nhận nhiều giải thưởng lớn như Harold Plous Award (2007); Giải thưởng Học giả - Giáo viên Camille Dreyfus (2008), giải Nghiên cứu viên của Quỹ học bổng nghiên cứu danh tiếng Alfred Sloan năm (2009), giải thưởng Nghiên cứu viên Đổi mới và Năng lực cạnh tranh Mỹ của Quỹ Khoa học Quốc gia 2010, Giải thưởng Nghiên cứu Cao cấp Alexander von Humboldt năm 2015. Đặc biệt, bà được bình chọn là trong danh sách các trí tuệ khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2015-2019. 

GS Nguyễn Thục Quyên trong một buổi giao lưu trong khuôn khổ Lễ trao giải thưởng VinFuture năm 2021. Ảnh: Hải Nam 

Vào ngày 7/2/2023, GS Quyên đã được kết nạp Viện Hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia Hoa Kỳ. Được biết, để được trở thành Viện sĩ của Viện Hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia Mỹ là một trong những danh hiệu đắt giá và cao quý dành cho các nhà khoa học. Để được bầu chọn, các thành viên phải là người có tầm lãnh đạo và đóng góp xuất sắc trong nghiên cứu, ứng dụng, đồng thời đi tiên phong trong các lĩnh vực công nghệ mới và đang phát triển, giúp tạo ra những tiến bộ lớn trong các lĩnh vực truyền thống về kỹ thuật hoặc có cách tiếp cận đổi mới sáng tạo trong giáo dục khoa học. Quá trình xét duyệt sẽ kéo dài cả năm, trong đó phiên bỏ phiếu cuối cùng diễn ra vào tháng 1.

Hiện GS Nguyễn Thục Quyên đang đảm nhiệm vai trò là đồng Chủ tịch Hội đồng sơ khảo giải thưởng VinFuture.

Quỳnh Trang