Hà Nội: Phát hiện hàng trăm máy sấy tóc nghi giả nhãn hiệu Panasonic

(SHTT) - Đội Quản lý thị trường số 24 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã kiểm tra đột xuất địa điểm kinh doanh tại thôn Yên Thái, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội và thu giữ hơn hơn 400 chiếc máy sấy tóc nghi giả nhãn hiệu Panasonic.

Cụ thể, tại thời kiểm tra, địa điểm kinh doanh hàng hóa do bà Nguyễn Thị M, tại địa chỉ: thôn Yên Thái, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội làm chủ đang bày bán, kinh doanh 412 chiếc máy sấy tóc do nước ngoài sản xuất.

Trên hàng hóa có nhãn, chữ bằng tiếng nước ngoài và có chữ Panassonic trên thân máy, giá niêm yết tại cơ sở là 70.000 đồng/chiếc. Bà M không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, hồ sơ, giấy tờ liên quan đến số hàng hóa trên.

Làm việc với cơ quan chức năng, bà M. khai nhận, toàn bộ số máy sấy tóc ở trên là hàng hóa do nước ngoài sản xuất. "Tôi mới mua số hàng trên từ một người không rõ địa chỉ, thông tin liên hệ. Họ đến chào bán tại cơ sở, hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ", bà M. cho hay. 

 

Đoàn kiểm tra tiến hành chụp ảnh hàng hóa trước sự chứng kiến của bà Nguyễn Thị Mai để gửi cơ quan có chức năng giám định theo quy định. Đoàn kiểm tra cũng tiến hành tạm giữ đối với 412 chiếc máy sấy tóc ở trên không có hóa đơn, chứng từ, hồ sơ, giấy tờ kèm theo, có dấu hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu Panasonic đang được bảo hộ tại Việt Nam để xử lý theo quy định.

Có thể thấy, công tác đấu tranh phòng, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp và lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, ngành, lực lượng chức năng và sự tham gia tích cực của toàn xã hội. Cùng với đó, việc phối hợp cung cấp thông tin của doanh nghiệp đóng vai trò tiên quyết trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. các doanh nghiệp phải chủ động, mạnh tay, phối hợp chặn các tài khoản bán hàng giả, hàng nhái trên thương mại điện tử, mạng xã hội; chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng liên quan để phát hiện, ngăn chặn những cơ sở sản xuất, phân phối hàng giả.

Thời gian qua, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng đã liên tiếp phát hiện và bắt giữ những vụ việc vi phạm sở hữu trí tuệ, bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

 Đoàn kiểm tra tiến hành tạm giữ đối với 412 chiếc máy sấy tóc nghi giả mạo nhãn hiệu

Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 7 cũng đã phối hợp với Công an huyện Thanh Trì tiến hành kiểm tra kho hàng tại xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 2.750 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên nám Glutathion 600, cùng 90 vỏ thùng carton có in nhãn Glutathion 600. Ngoài ra còn có 1 vài thùng được dán băng dính sẵn chờ đóng gói. Tổng giá trị hàng hoá ước tính hơn 700 triệu đồng.

Thương nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên nám Glutathion 600 là Công ty cổ phần quốc tế Dopharma. Tại thời điểm kiểm tra, đại diện Công ty cổ phần quốc tế Dopharma đã có mặt và xác nhận số hàng trên không phải là sản phẩm của hãng.

Theo đại diện Công ty cổ phần quốc tế Dopharma cho biết, trong số sản phẩm bị lực lượng chức năng thu giữ và niêm phong, về phần đóng thùng không có băng dính niêm phong của nhà máy đóng gói, không có thông tin tem sau đóng gói của nhà máy.

Làm việc với cơ quan chức năng, chủ hàng khai nhận, do trên thị trường có bán loại thực phẩm bổ sung dành cho phái đẹp được nhiều người tìm mua nên đã tìm hiểu nhãn hàng đang bán chạy, sau đó móc nối với các cơ sở để gia công in bao bì và đặt hàng sản xuất thực phẩm bổ sung giả có xuất xứ từ Nhật Bản. Để bán được nhiều thực phẩm bổ sung giả, các đối tượng đã sử dụng nhiều chiêu trò để thu hút khách hàng.

Hương Mi