Chú trọng nhân tài trong sự phát triển của khoa học công nghệ

(SHTT) - Ngày 7/6, Quốc hội tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt. Và một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm chính là tầm quan trọng của "nhân tài" trong sự phát triển của khoa học công nghệ.

 Cuộc tranh luận này bắt đầu từ câu hỏi của đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau): “Đâu là điểm kích nổ về chính sách để Việt Nam bứt phá về công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế và bảo vệ quốc phòng, an ninh của Tổ quốc?”.

Trả lời, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho rằng, vấn đề bứt phá về công nghệ thì có nhiều giải pháp nhưng trước tiên giải pháp quan trọng là đầu tư cho nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đầu tư cả về kinh phí, nguồn lực cũng như về cơ chế chính sách để làm sao nhà khoa học có điều kiện, có tâm thế sẵn sàng cống hiến cho khoa học.

“Phải nói là tôi rất tin tưởng năng lực của các nhà khoa học chúng ta. Nếu như chúng ta đầu tư đúng mức, tạo điều kiện thích hợp thì sẽ phát huy được năng lực nghiên cứu khoa học cũng như đổi mới sáng tạo. Đó là việc rất quan trọng để có điều kiện phát triển”, Bộ trưởng nói.

 

Tranh luận sau đó, đại biểu Lê Thanh Vân bày tỏ “chưa hài lòng” với câu trả lời của Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt.

“Có lẽ, tôi nghĩ và nhiều người khác cũng nghĩ như tôi điểm kích nổ trong chính sách để khoa học công nghệ Việt Nam bứt phá chính là nhân tài, chỉ có nhân tài, nhất là nhân tài khoa học công nghệ mới có thể làm thay đổi diện mạo công nghệ ở Việt Nam”, đại biểu tỉnh Cà Mau nêu quan điểm.

Đại biểu Lê Thanh Vân gợi ý, thứ tự ưu tiên trong việc lựa chọn chính sách để kích nổ trong công nghệ đó là nhân tài ở các lĩnh vực như là trí tuệ nhân tạo, blockchain, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, một loạt những vấn đề khác trong y tế và giáo dục.

Cảm ơn gợi ý của đại biểu, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết “sẽ nghiên cứu sâu hơn vấn đề này”. “Trong đề án phát triển khoa học công nghệ từ nay đến năm 2030, bộ sẽ hết sức lưu ý về đội ngũ trí thức” – ông Đạt nói.

“Chia lửa” cùng Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đồng tình với đại biểu Lê Thanh Vân rằng KHCN phải “kích nổ”, có nhân tài. Theo Bộ trưởng Phớc, muốn vậy phải có môi trường để họ cống hiến tốt.

“Ngày xưa khó khăn chúng ta có những nhà khoa học rất nổi tiếng như giáo sư Trần Đại Nghĩa hay nhà bác học Lương Đình Của” – ông Phớc dẫn chứng và chỉ ra, cần phải thu hút nguồn lực xã hội để có nhiều hơn các sáng kiến khoa học.

Tham gia tranh luận, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) đặt câu hỏi: "Định hướng phát triển nhân tài thực hiện rất khó khăn, đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp chiêu mộ nhân tài về Bộ làm việc".

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ rằng đây là điều rất trăn trở khi ông nhận công tác ở Bộ, cũng như trước đây ở cơ sở giáo dục đại học, "có chủ trương, nhưng khi triển khai rất loay hoay do vướng quy định, luật công chức, viên chức, quy định về tài chính".

Tư lệnh ngành KH-CN cho biết, vừa rồi triển khai Nghị quyết 27 về xây dựng đội ngũ trí thức, Bộ Khoa học và Công nghệ được Chính phủ giao để xây dựng đề án này. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, nhưng bộ sẽ hết sức cố gắng làm thế nào để đề án thực sự thu hút được những nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nước, ngoài nước về làm việc một cách hiệu quả nhất.

Bộ trưởng mong các đại biểu sẵn sàng trong việc đóng góp cho đề án này. Kinh nghiệm của các địa phương khi làm đề án để thu hút nhân tài ở các nơi, nước ngoài, các địa phương khác về làm việc ở địa phương đó thì hầu hết thành công không cao, thậm chí có đề án thất bại.

Minh Tú