Diễn đàn và hội chợ xuất khẩu TP.HCM: Mở ra cơ hội cho hoạt động xuất khẩu

Diễn đàn và hội chợ xuất khẩu TP.HCM do Sở Công Thương TP.HCM cùng Cục Xúc tiến thương mại TP.HCM phối hợp tổ chức nhằm tạo ra điểm giao thương, quảng bá hiệu quả giữa các doanh nghiệp xuất khẩu, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác xuất khẩu mới.

Việt Nam bắt đầu đẩy mạnh hoạt động ngoại thương từ năm 1986 và liên tục có những bước đột phá mạnh mẽ với các mốc kỷ lục ấn tượng. Theo bảng xếp hạng năm 2021 của WTO, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam xếp hạng thứ 23 trên thế giới và đứng thứ 2 trong khối Asean.

Đồng thời, số lượng thị trường xuất khẩu đã tăng hơn 10 lần từ 20 quốc gia vào năm 1991 đến hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ theo ghi nhận năm 2021. Cùng với tiến trình này, Việt Nam đã ký kết hơn 15 hiệp định thương mai tự do quốc tế và thu hút dòng vốn FDI tăng trưởng tích cực.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu giảm tốc rõ rệt, sự khủng hoảng của hàng loạt quốc gia lớn kéo theo kim ngạch xuất khẩu của hàng loạt ngành trọng điểm sụt giảm mạnh. TP.HCM với vai trò là đầu tàu kinh tế cả nước đã liên tục đề ra các sáng kiến mang tính giải pháp bền vững để thúc đẩy hoạt động thương mại trở về quỹ đạo tăng trưởng vốn có, theo sát định hướng xuất khẩu xanh được chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ.

Lễ khai mạc Diễn đàn và hội chợ xuất khẩu TP.HCM (HCM City Export 2023).

Do đó, Diễn đàn và hội chợ xuất khẩu TP.HCM (HCM City Export 2023) được tổ nhằm tạo ra một điểm giao thương và quảng bá hiệu quả giữa các doanh nghiệp xuất khẩu với đại diện cơ quan nhà nước, các đơn vị mua hàng quốc tế và người tiêu dùng. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác xuất khẩu mới với sự tham dự của hàng ngàn khách quốc tế, đoàn giao thương từ nhiều quốc gia trọng điểm.

Tại diễn đàn, ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết Diễn đàn và hội chợ Việt Nam xuất khẩu năm 2023 lần đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM là một sự kiện mang tính hằng năm nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp có cơ hội gặp gỡ trực tiếp, tìm kiếm đối tác, các nhà nhập khẩu, người mua hàng Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, các nhà sản xuất quảng bá sản phẩm và thương hiệu trong nước, đến thị trường quốc tế.

Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp trong nước học hỏi, cọ xát, tiếp cận, nắm bắt nhu cầu và xu hướng thế giới trong bối cảnh xanh để có những định hướng đầu tư cải tiến chất lượng sản phẩm và tiêu chuẩn nhà xưởng, thiết bị công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng quốc tế.

"Doanh nghiệp cần phải nghiên cứu trong quá trình sản xuất, tạo ra sản phẩm, xuất khẩu phù hợp với đặc thù về văn hóa, tôn giáo, dân tộc, cũng như những quy định riêng, phát triển xanh của mỗi quốc gia", ông Hoan nói.

“Bên cạnh cơ hội thì cũng có những thách thức mà doanh nghiệp cần phải nghiên cứu, nhất là trong quá trình sản xuất, tạo ra sản phẩm, xuất khẩu phù hợp với đặc thù về văn hóa, tôn giáo, dân tộc, cũng như những quy định riêng, phát triển xanh của mỗi quốc gia trên thị trường”, ông Hoan chia sẻ.

Trong khi đó, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương - cho biết theo dự báo của các tổ chức quốc tế, hiện nay kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Các thị trường xuất khẩu cơ bản đã mở cửa thông thương, tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, biến động khó lường từ hệ lụy của dịch Covid-19 cùng với những bất ổn về chính trị, chiến tranh thương mại gay gắt, suy thoái kinh tế, lạm phát cao khiến sức mua, niềm tin tiêu dùng giảm sút.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức do lạm phát, niềm tin tiêu dùng giảm sút,...

Trong bối cảnh các chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn còn đang điều chỉnh, sắp xếp lại, nhiều quốc gia tăng cường chính sách bảo hộ, rào cản thương mại rất cần chúng ta phải thường xuyên cập nhật thông tin, dự báo tình hình làm cơ sở cho việc điều chỉnh ngắn hạn cũng như tìm ra những giải pháp dài hạn trong sản xuất, xuất khẩu.

“Đối với nền kinh tế Việt Nam, thời cơ - thuận lợi và khó khăn - thách thức đan xen. Sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; sản xuất kinh doanh tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp đòi hỏi chúng ta phải thay đổi phương thức sản xuất - kinh doanh, đa dạng hóa hình thức xúc tiến thương mại phù hợp với những xu hướng chuyển đổi lớn trên thế giới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi công nghệ”, ông Hải nhấn mạnh.

Các doanh nghiệp sản xuất tham gia Diễn đàn và hội chợ xuất khẩu TP.HCM với mong muốn tìm được nguồn khách hàng mới.

Tham gia Diễn đàn và hội chợ xuất khẩu TP.HCM, đại diện cho khối doanh nghiệp xuất khẩu bà Đinh Hồng Vân - Giám đốc tiếp thị Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan - cho biết hiện nay Masan Consumer đang đẩy mạnh chiến lược xuất khẩu các sản phẩm tiêu biểu ra thế giới.

Bà Đinh Hồng Vân - Giám đốc tiếp thị Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan.

“Chúng tôi nhắm tới mục tiêu 15% doanh số năm 2027 tới từ kinh doanh quốc tế. Hiện tại chỉ là 4%, như vậy mỗi năm phải thêm 2-3% trong phần tỉ trọng này. Do đó HCM City Export 2023 là một sự kiện thiết thực của thành phố trong bối cảnh toàn cầu đang đẩy mạnh giao thương kinh tế sau đại dịch Covid-19. Chúng tôi mong rằng đây sẽ là sự kiện thường niên thu hút đông đảo sự tham gia của các công ty quốc tế và công ty trong nước, trở thành sự kiện tiêu biểu của TP.HCM xứng tầm với các hội chợ của các nước trong khu vực và thế giới”, bà Vân chia sẻ.

Thanh Thảo