Phát hiện chất gây ung thư trong bao bì đóng gói thức ăn nhanh

(SHTT) - Một nghiên cứu do Đại học Toronto (Canada) phối hợp cùng Đại học Indiana và Đại học Notre Dame của Mỹ đã phát hiện ra một chất độc hại có liên quan tới nguy cơ gây ung thư, gây hại cho hệ thống miễn dịch trong giấy chống thấm nước và dầu mỡ thường được sử dụng làm bao bì thức ăn nhanh

Để hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, chúng ta thường lựa chọn thay thế như giấy gói và bát giấy có thể phân hủy. Tuy nhiên, với kết quả nghiên cứu mới từ các nhà khoa học đến từ trường Đại học Toronto (Canada), Đại học Indiana và Đại học Notre Dame của Mỹ, chúng ta có thể phải lựa chọn những sản phẩm thay thế thân thiện với sức khỏe con người và môi trường hơn.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã phát hiện hóa chất PFAS, một loại hóa chất gây hại có liên quan đến tăng nguy cơ gây ung thư, gây hại cho hệ thống miễn dịch..., có trong bao bì thực phẩm (như giấy chống thấm nước và dầu mỡ trong bao bì thức ăn nhanh). 

Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã tiến hành thu thập mẫu giấy gói và bát từ các cửa hàng thứ ăn nhanh tại Canada và tiến hành kiểm tra để tìm tổng flo, một chỉ số của PFAS. Kết quả cho thấy, PFAS được thêm vào các sản phẩm bát và túi giấy dùng một lần dưới dạng chất chống thấm nước và dầu mỡ.

 

PFAS là một nhóm phức hợp gồm khoảng 9.000 hóa chất được sản xuất, một vài trong số đó đã được nghiên cứu về độc tính của chúng. Một PFAS được biết là độc là 6:2 FTOH (rượu fluorotelomer 6:2), hợp chất có nhiều nhất được phát hiện trong các mẫu này.

Các PFAS khác được tìm thấy trong tất cả các bao bì thức ăn nhanh, được thử nghiệm có thể biến đổi thành hợp chất này, do đó làm tăng khả năng tiếp xúc của người tiêu dùng với PFAS. Ngoài ra, việc giải phóng PFAS từ bao bì thực phẩm vào không khí tạo ra một nguy cơ khác cho con người tiếp xúc với các hóa chất này.

PFAS (các chất Per và Polyfluoroalkyl) là một nhóm hóa chất tổng hợp được sử dụng trong nhiều loại sản phẩm do đặc tính kháng nước và dầu. PFAS thường được sử dụng để sản xuất nồi, chảo chống dính, quần áo không thấm nước và bọt chữa cháy. PFAS có thể tồn tại trong môi trường một thời gian dài và có liên quan đến các vấn đề sức khỏe khác nhau, bao gồm ung thư, rối loạn tuyến giáp và các vấn đề về phát triển...

Theo GS. Giáo sư Miriam Diamond, Khoa Khoa học Trái đất và Môi trường, Đại học Toronto, bằng việc sử dụng ngày càng nhiều sản phẩm giấy gói và bát giấy, chúng ta có thể hạn chế việc thải ra môi trường những sản phẩm nhựa dùng một lần, tuy nhiên, điều này lại khiến sức khỏe của người tiêu dùng bị gây hại do tiếp xúc thường xuyên với PFAS.

Bên cạnh đó, PFAS cũng được đánh giá là chất khó phân hủy khi được xả thẳng ra môi trường, do đó, các sản phẩm làm từ chất này cũng là nguy cơ lớn đối với môi trường.

Theo GS. Diamond, việc sử dụng PFAS trong bao bì thực phẩm cần phải được cân nhắc. Chúng ta cần tăng cường các quy định và thúc đẩy việc sử dụng bao bì thực phẩm làm từ sợi không chứa PFAS để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng cũng như hạn chế các nguy cơ gây hại tới môi trường sống.

Khánh An