Tây Ban Nha thành công thực hiện ca ghép phổi đầu tiên trên thế giới hoàn toàn bằng robot

(SHTT) - Một thành tựu y khoa đầy kinh ngạc đã được ghi nhận tại Tây Ban Nha khi một nhóm bác sĩ phẫu thuật đã hoàn thành ghép phổi đầu tiên trên thế giới hoàn toàn bằng robot.

Việc ghép phổi được xem là một ca đại phẫu rất phức tạp, vì bệnh nhân cần phải phẫu thuật mổ phanh ngực. Trong quá trình thực hiện, bác sĩ phẫu thuật sẽ tiến hành một vết cắt dài khoảng 30 cm, sau đó cắt xương sườn để loại bỏ phần phổi bị bệnh và thay thế bằng một phổi khỏe mạnh từ người hiến tặng. Quá trình này đòi hỏi sự chính xác và kỹ thuật cao, cùng với đó là những rủi ro về sức khỏe của bệnh nhân.

Robot có tên gọi là 'Da Vinci' giúp thực hiện ca ghép phổi tiên tiến tại Tây Ban Nha. Nguồn: The Olive Press

Hiện nay, công nghệ mới được sử dụng bởi nhóm bác sĩ Tây Ban Nha đã giúp cho việc ghép phổi trở nên dễ dàng hơn mà không cần tới quá trình gây tổn thương xương sườn của bệnh nhân như trước đây.

Cụ thể, các bác sĩ tại Bệnh viện Vall d'Hebron ở Barcelona đã thực hiện những vết cắt nhỏ hơn vào phía bên hông của lồng ngực để tạo điều kiện cho robot và camera 3D tiếp cận vùng cần phẫu thuật một cách chính xác và an toàn. Sự tiên tiến của công nghệ đã giúp giảm thiểu những rủi ro và đảm bảo tính an toàn cho bệnh nhân trong quá trình ghép phổi.

Xavier, 65 tuổi, đã trở thành bệnh nhân đầu tiên trên thế giới trải qua một ca phẫu thuật ghép phổi hoàn toàn bằng robot. Ông cần phải thực hiện ca phẫu thuật này do mắc chứng bệnh xơ phổi, khiến màng phổi trở nên dày và sẹo. 

Robot 4 tay được sử dụng trong ca phẫu thuật nói trên có tên gọi là Da Vinci. Đây là một hệ thống robot phẫu thuật thông dụng trong các ca phẫu thuật tim mạch, tiết niệu, sản khoa, nhi khoa và phẫu thuật tổng quát tại các bệnh viện trên khắp châu Âu và Hoa Kỳ.

Theo Jauregui, phương pháp mới này gây đau ít hơn cho bệnh nhân bởi vết thương sẽ dễ dàng khép lại và giúp bệnh nhân hồi phục sau phẫu thuật nhanh hơn so với trước đây. Tiến sĩ Albert Jauregui, Trưởng khoa phẫu thuật thắt ngực và ghép phổi tại bệnh viện Vall d'Hebron ở Barcelona cho biết, thay vì mổ phanh, phương pháp phẫu thuật mới chỉ yêu cầu một vết cắt được thực hiện dưới xương ức, nơi da rất đàn hồi, cho phép chỉ cần mở da mà không cần phải cắt sườn. Phổi mới cũng được chia nhỏ để có thể đi qua vết cắt nhỏ chỉ khoảng 8cm. Phương pháp tiên tiến này đơn giản hóa quá trình ghép phổi và nâng cao hiệu quả điều trị bệnh lý phổi.

Ông Xavier chia sẻ: "Sau khi hết tác dụng thuốc gây mê và tỉnh táo trở lại, tôi không còn phải chịu bất kỳ cơn đau đớn nào nữa".

"Chúng tôi tin rằng đây là một kỹ thuật sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Chúng tôi cũng hy vọng phương pháp này sẽ được ứng dụng tại nhiều trung tâm y tế hơn", Tiến sĩ Albert Jauregui chia sẻ.

Một ca phẫu thuật tương tự đã được thực hiện tại Bệnh viện Mount Sinai tại New York, nhưng robot chỉ được sử dụng để hỗ trợ một phần trong ca phẫu thuật.

Được biết, Tây Ban Nha là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ ghép tạng, theo số liệu từ Tổ chức quan sát toàn cầu về hiến tặng và ghép tạng, Tây Ban Nha đã thực hiện 5% số ca hiến tặng tạng trên toàn thế giới chỉ trong năm 2021.

Khánh Linh