Thanh Hóa triển khai Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2023

(SHTT) - Sáng 20/4, Hội đồng An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tỉnh Thanh Hóa tổng kết công tác ATVSLĐ năm 2022, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 và Kế hoạch triển khai Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023.

 Trong năm 2022, công tác ATVSLĐ nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự tham gia tích cực của các ngành, các cấp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật về ATVSLĐ, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật địa phương về ATVSLĐ được quan tâm. Nhận thức của chủ sử dụng lao động và người lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và người dân về ATVSLĐ đã có chuyển biến tích cực. Công tác quản lý Nhà nước của các ngành chức năng và giám sát của các tổ chức đoàn thể về ATVSLĐ được tăng cường. Việc tuyên truyền cũng đã có hiệu quả tích cực, trong năm đã phát hành được 134.398 ấn phẩm, tờ rơi tuyên truyền; tổ chức 27 cuộc thi tìm hiểu về pháp luật ATVSLĐ, tổ chức 3 lớp tập huấn cho 179 người sử dụng lao động, phụ trách lao động… Các hoạt động về quản lý sức khỏe người lao động, quan trắc môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, kiểm tra máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu về ATLĐ… được chú trọng duy trì đều đặn.

 

Để triển khai, thực hiện có hiệu quả Chương trình ATVSLĐ tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết số 210/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh; Kế hoạch số 20/KH-UBND ngày 27/01/2022 của UBND tỉnh; Ban chỉ đạo đã đặt ra 10 nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2023; trong đó chú trọng nhất vẫn là: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn cho người sử dụng lao động và người lao động về các quy định của pháp luật lao động ATVSLĐ, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật địa phương về ATVSLĐ và các quy trình, biện pháp ATVSLĐ. Đặc biệt chú trọng vào một số ngành nghề, lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động như: Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, xây dựng các công trình cao tầng, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, điện, giầy, da, các ngành nghề có nhiều yếu tố độc hại có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp... Trên cơ sở các văn bản của Trung ương các ngành cần rà soát, bổ sung những hướng dẫn, quy định, điều kiện về ATVSLĐ đối với từng ngành. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện công tác ATVSLĐ; xử lý nghiêm những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm công tác ATVSLĐ.

Đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp cũng đã trình bày Kế hoạch tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ tỉnh Thanh Hóa năm 2023; theo đó, chủ đề của tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023 được phát động là: “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc”. Mục đích của Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ thông qua các hoạt động tuyên truyền, chương trình hành động cụ thể về ATVSLĐ; kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại trong lao động sản xuất; rà soát, xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; đánh giá nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ; cải thiện điều kiện lao động; giảm căng thẳng tại nơi làm việc, nhằm giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chăm sóc, nâng cao sức khỏe người lao động nhằm bảo đảm an toàn cho người lao động, tài sản của doanh nghiệp, của tổ chức; tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Sau khi nghe các báo cáo và ý kiến thảo luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ông Đầu Thanh Tùng – Chủ tịch Hội đồng ATVSLĐ tỉnh đánh giá cao các kết quả đạt được trong công tác ATVSLĐ của tỉnh trong năm qua, nhấn mạnh, trong thời gian tới, đặc biệt là các báo cáo cho những năm tiếp theo, đơn vị soạn thảo của Ban chỉ đạo cần phải đánh giá được tỷ lệ số lao động được quan tâm quan trắc môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp… trên tổng số lao động của doanh nghiệp hoặc của từng lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, thanh tra cũng chưa cho thấy rõ kết quả đạt được cụ thể về chuyên ngành về ATVSLĐ… Từ số liệu cụ thể có thể chỉ ra các hạn chế còn tồn tại và đưa ra các nhiệm vụ giải pháp chi tiết cho từng cấp, từng ngành cụ thể hơn. Đồng chí yêu cầu đơn vị soạn thảo tiếp thu các ý kiến thảo luận tại hội nghị, hoàn chỉnh lại báo cáo để báo cáo Ban chỉ đạo trong thời gian tới.

Về Kế hoạch tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ tỉnh Thanh Hóa năm 2023, đồng chí đồng thuận với kế hoạch, thời gian và địa điểm tổ chức do Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp xây dựng đề xuất. Đồng chí lưu ý, đơn vị chủ trì cần chú trọng đến công tác vệ sinh môi trường và hình ảnh địa điểm tổ chức hoạt động. Các sở, ngành, đơn vị liên quan chủ động phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp hoàn tất các phần việc liên quan tiếp theo.

Đinh Điệp