Sinh viên Đà Nẵng thiết kế robot quản lý nhân sự ứng dụng trí tuệ nhân tạo

Nhóm sinh viên trường Đại học Bách Khoa và Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng vừa thắng giải Ba mô hình sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) thiết kế robot quản lý nhân sự trong cuộc thi IEC năm 2023 thuộc dự án Kỹ thuật phục vụ cộng đồng (BUILD-IT) tổ chức tại TP.HCM.

Robot quản lý nhân sự có khả năng áp dụng trong nhiều lĩnh vực như phát hiện gian lận hộ chiếu và thị thực du lịch, kiểm tra hành khách, quét dữ liệu tội phạm và theo dõi chấm công nhân viên.

Nhóm sinh viên Đà Nẵng sáng tạo mô hình hữu ích này gồm 7 thành viên sinh hoạt trong câu lạc bộ Nghiên cứu Khoa học BK - Maker: Nguyễn Thành Trung, Phan Ben, Đặng Nguyên Vũ, Phan Trọng Hữu, Đặng Ngọc Khoa, Hoàng Lê Anh Tuấn, Nguyễn Song An Huệ với sự cố vấn của Tiến sĩ Ngô Đình Thành, trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng.

 Nhóm sinh viên trường Đại học Kinh tế và Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng vừa thắng giải Ba mô hình sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) thiết kế robot quản lý nhân sự trong cuộc thi IEC năm 2023 thuộc dự án Kỹ thuật phục vụ cộng đồng (BUILD-IT) tổ chức tại TP.HCM.

Trong Công nghiệp 4.0, học tập và xây dựng các hệ thống ứng dụng AI là xu hướng hiện nay. Trong đó, công nghệ nhận diện khuôn mặt bằng AI trở thành công cụ cần thiết để xác thực danh tính cá nhân.

“Nhận thấy tiềm năng to lớn của lĩnh vực này, chúng tôi xây dựng robot sử dụng trí tuệ nhân tạo để quản lý và giám sát trong các lĩnh vực đòi hỏi bảo mật cao. Hệ thống sẽ tích hợp công nghệ nhận diện khuôn mặt bên ngoài cửa. Thông tin được tải lên đám mây, lưu trữ, hiển thị trên trang website để người dùng dễ dàng truy cập và quản lý viên quản lý”, thành viên Nguyễn Thành Trung hào hứng chia sẻ.

Theo Nguyễn Thành Trung, ý tưởng ban đầu được đề xuất từ thực tế nhu cầu của các thành viên muốn quản lý nhân sự, tránh mất mát và thất lạc các thiết bị trong phòng thí nghiệm của câu lạc bộ Nghiên cứu Khoa học BK-Maker. Nhóm nghiên cứu các thiết bị có kết nối internet để lưu trữ, phân tích thông tin sử dụng thẻ từ quản lý nhân sự cũng như các thiết bị trong phòng thí nghiệm của câu lạc bộ.

“Trong quá trình triển khai thực nghiệm, nhiều vấn đề xảy ra như thành viên quên hoặc làm mất thẻ từ hoặc cho mượn, không thể kiểm soát được tình trạng người ra vào phòng của câu lạc bộ. Chính vì lý do đó, câu lạc bộ xây dựng một thuật toán nhận diện khuôn mặt trên thiết bị nhỏ gọn”, Trung nói thêm.

 Nhóm sinh viên Đà Nẵng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) thiết kế robot quản lý nhân sự đạt giải Ba trong cuộc thi IEC năm 2023 thuộc dự án Kỹ thuật phục vụ cộng đồng (BUILD-IT) tổ chức tại TP.HCM.

Quá trình triển khai thực nghiệm, nhóm cũng nhận được một số phản hồi từ các thành viên trong Câu lạc bộ và từ đó mong muốn cải tiến thiết bị này phát triển thêm khả năng tương tác với mọi người. Vì vậy, nhóm nghiên cứu và tạo ra robot ngoài tính năng nhận diện khuôn mặt còn tương tác với người dùng.

Để có sản phẩm dự thi, nhóm gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập dữ liệu phục vụ cho dự án, nghiên cứu các thuật toán phù hợp trong lĩnh vực học máy và trí tuệ nhân tạo, kết hợp các module để tạo thành sản phẩm giải quyết bài toán quản lý nhân sự hiệu quả. Với sự hướng dẫn của Tiến sĩ Ngô Đình Thành và sự tập trung, nỗ lực của các thành viên, hiện nhóm đã có sản phẩm robot mẫu khá thân thiện và thuận tiện cho người sử dụng.

“Thiết kế robot quản lý nhân sự đã và đang cải tiến về hình dáng, tính năng, công dụng của các model của sản phẩm. Sắp tới, nhóm sẽ tiếp tục tiếp nhận phản hồi của người sử dụng và hoàn thiện sản phẩm hơn trong thời gian tới”, nhóm trưởng cho hay.

Trong tương lai, nhóm sinh viên mong muốn phát triển thêm tính năng di chuyển và tính năng trợ lý ảo để có thể tương tác trực tiếp với con người một cách thông minh hơn.

Được xem là “vườn ươm nhỏ” cho những nhà sáng chế trẻ, Câu lạc bộ Nghiên cứu khoa học BK – Maker, Đại học Bách Khoa – Đại Học Đà nẵng gần 6 tuổi là nơi ươm mầm, phát triển nhiều ý tưởng, sản phẩm hữu ích cho cộng đồng đồng thời gặt hái được rất nhiều giải thưởng.

 Bảo Hòa