Công nghệ thực tế tăng cường mới cho phép người dùng nhìn xuyên vật thể

(SHTT) - Các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã phát triển một thiết bị sử dụng công nghệ thực tế tăng cường (AR), cho phép người dùng có khả năng nhìn thấu vật thể.

Theo các nhà khoa học, thiết bị này sử dụng công nghệ X-AR tích hợp thị giác máy tính và nhận thức không dây, giúp người đeo tự động định vị một đồ vật cụ thể bị ẩn khỏi tầm nhìn, có thể ở trong một chiếc hộp hoặc ở sau vách ngăn. Sau khi định vị mục tiêu, nó sẽ đưa ra chỉ dẫn chính xác về phương hướng cho người dùng lấy được vật đó.

Ảnh: SciTechDaily 

Hệ thống sử dụng tín hiệu tần số vô tuyến (RF), có thể xuyên qua các vật liệu phổ biến như hộp các tông, hộp nhựa hoặc vách ngăn bằng gỗ, để tìm các vật phẩm ẩn đã được dán nhãn bằng thẻ RFID (RFID Tags). Công nghệ RFID Tags là một thiết bị thông minh có thể lưu trữ một loạt thông tin từ số sê-ri, đến mô tả ngắn và thậm chí cả các trang dữ liệu phản ánh tín hiệu do ăng-ten RF gửi đi.

Theo như mô tả chi tiết, thiết bị sẽ đưa ra hướng dẫn cho người đeo qua giao diện thực tế tăng cường AR đến vị trí của vật phẩm, hiển thị dưới dạng một quả cầu trong suốt. Sau khi vật phẩm nằm trong tay người dùng, tai nghe sẽ xác minh rằng họ đã nhặt đúng vật thể đang tìm kiếm.

Ảnh: TechEBlog 

Khi các nhà nghiên cứu thử nghiệm X-AR trong một nhà kho, họ phát hiện ra thiết bị có thể định vị các vật thể ẩn trong phạm vi trung bình 9,8 cm và xác định chính xác vật thể được nhặt với tỷ lệ chính xác đáng kinh ngạc lên tới 96%.

Qua cuộc thử nghiệm trên, ta có thể dễ dàng ứng dụng X-AR trên thực tế. Ví dụ, thiết bị đeo X-AR có thể hỗ trợ nhân viên kho thương mại điện tử nhanh chóng tìm thấy các mặt hàng trên kệ được sắp xếp lộn xộn hoặc để trong hộp. Hay thậm chí bằng cách xác định mặt hàng chính xác cho một đơn đặt hàng khi nhiều mặt hàng tương tự nằm trong cùng một thùng. Thiết bị này cũng có thể được sử dụng trong một cơ sở sản xuất để giúp các kỹ thuật viên xác định vị trí các bộ phận chính xác để lắp ráp sản phẩm.

Fadel Adib, phó giáo sư tại Khoa Kỹ thuật Điện và Khoa học Máy tính MIT, đồng thời là tác giả chính của một bài báo về X-AR kết luận rằng: "Toàn bộ mục tiêu của chúng tôi với dự án này là xây dựng một hệ thống thực tế tăng cường cho phép bạn nhìn thấy những thứ nằm trong hộp hoặc xung quanh các góc… mà mắt thường không thể nhìn thấy. Khi làm như vậy, hệ thống có thể hướng dẫn bạn tới đúng mục tiêu và thực sự cho phép bạn nhìn thấy thế giới vật chất theo những cách mà trước đây không thể thực hiện được”.

Xuân Hiếu