Nghiên cứu hé lộ bí mật đằng sau các biểu tượng cảm xúc

(SHTT) - Mới đây, các nhà khoa học đã tiến hành khảo sát trên một số nhóm đối tượng để xác định mối liên kết giữa cảm xúc thực tế và biểu tượng cảm xúc trên Internet.

Có bao giờ bạn nhận được một món quà bạn không mong muốn nhưng bạn vẫn nói lời cảm ơn chưa? 

Việc kiểm soát cảm giác tiêu cực này chính là chuẩn mực văn hóa, bao gồm những quy tắc xác định phản ứng xã hội phù hợp với cảm xúc. Chuẩn mực văn hóa sẽ thúc đẩy sự hòa hợp giữa các cá nhân nhưng cũng có thể gây ra hậu quả tiêu cực đối với những người thay đổi cách thể hiện cảm xúc. 

Dưới sự phát triển của tương tác xã hội trực tuyến như hiện nay, liệu chuẩn mực văn hóa có áp dụng cho biểu tượng cảm xúc không và chúng ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

Biểu tượng cảm xúc (Emoji) là các dạng ký tự dạng hình ảnh xuất hiện trong các tin nhắn điện tử và trang web. 

 Bắt nguồn từ Nhật Bản vào năm 1997, emoji ngày càng trở nên phổ biến trên toàn thế giới sau khi xuất hiện một số hệ điều hành di động.

Trong bài đăng trên tạp chí tâm lý học Frontiers in Psychology, Moyu Liu (Đại học Tokyo), người dẫn đầu cuộc nghiên cứu, cho biết: “Khi giao tiếp xã hội trực tuyến ngày càng phổ biến, mọi người đã quen với việc điều chỉnh và cân nhắc cảm xúc trong giao tiếp. Tuy nhiên, tôi nhận ra điều này dẫn đến tình trạng ngắt kết nối với những cảm xúc thật sự”.

Anh tiến hành khảo sát 1.289 người dùng Simeji, bàn phím emoji được tải xuống nhiều nhất ở Nhật Bản.

Những người tham gia đã cung cấp dữ liệu nhân khẩu học và tình trạng sức khỏe, cũng như trả lời tin nhắn trong các tình huống khác nhau, để đánh giá cường độ biểu hiện cảm xúc.

Kết quả cho thấy, mọi người sử dụng emoji nhiều hơn trong tin nhắn riêng tư hoặc với bạn bè thân thiết và ít hơn khi giao tiếp với người có địa vị cao. Những cảm xúc mãnh liệt thường đi kèm emoji phù hợp, trừ khi họ cần phải che giấu cảm xúc thật. 

 Emoji tươi cười luôn là sự lựa chọn ưu tiên để kiểm soát sự tiêu cực, còn emoji tiêu cực chỉ được áp dụng khi cảm xúc ấy quá mạnh mẽ.

Simeji cực kỳ phổ biến đối với phụ nữ trẻ, gây ra sự sai lệch kết quả của hai nhóm đối tượng: phụ nữ và gen Z. Tuy nhiên, điều này cũng phản ánh tình trạng mất cân bằng giới tính trong việc sử dụng emoji nói chung và bàn phím Simeji nói riêng. 

Liu nhấn mạnh sẽ mở rộng nghiên cứu trong tương lai để cung cấp bức tranh toàn cảnh về các chuẩn mực xã hội và emoji. 

Trước đó, một nghiên cứu đã xác định, con người coi chức năng của emoji tương tự biểu cảm trên khuôn mặt. Tuy nhiên, không tồn tại mối liên hệ nào giữa cảm xúc được thể hiện và trải nghiệm thực tế. Do vậy, chuẩn mực văn hóa có thể dẫn đến vấn đề về tâm lý. Trong bất kỳ nền văn hóa nào, khi cảm xúc được thể hiện khác biệt quá lớn so với cảm xúc thực tế, con người sẽ dần cạn kiệt cảm xúc và “mất liên lạc” với chính mình.

Thu Nga