Ông đồ trẻ tuổi giữ hồn nghệ thuật 'muôn năm cũ'

Bén duyên với Hán Nôm từ những năm trung học, Nguyễn Thanh Lộc (23 tuổi) hiện đang học chương trình thạc sĩ chuyên ngành Hán Nôm để tiếp tục theo đuổi đam mê chữ cổ. Không chỉ vậy, Thanh Lộc còn mở lớp dạy thư pháp cho các bạn trẻ để giữ gìn nét văn hóa.

Từ xa xưa, hình ảnh "ông đồ" cho chữ "mỗi năm hoa đào nở" đã quá đỗi quen thuộc với người Việt, song đã có lúc nét văn hoá độc đáo này tưởng chừng như mai một.

Điều may mắn là nhiều năm gần đây, người ta lại bắt gặp cảnh ông đồ "bày mực Tàu giấy đỏ" không chỉ trên phố mà còn cả trong khuôn viên trường học. Những "ông đồ", "bà đồ" mới độ đôi mươi, vừa yêu con chữ cổ, vừa giữ gìn và lan tỏa nét đặc trưng ngày Tết.

Nhiều bạn trẻ thích thú với việc xin chữ dịp Tết đến. 

Xuất hiện trong bộ áo dài cùng giấy bút được chuẩn bị chỉn chu, ông đồ Nguyễn Thanh Lộc được nhiều bạn trẻ tìm đến xin chữ nhân dịp Tết đến.

Khi người trẻ mê chữ cổ

Không phải người trẻ nào cũng kiên trì với bộ môn Hán Nôm và nghệ thuật thư pháp nhưng từ khi còn học trung học, Thanh Lộc luôn cảm thấy ấn tượng với các áng văn cổ điển. Sau này, khi theo học chuyên ngành Hán Nôm, Thanh Lộc bắt đầu tìm hiểu cổ văn và biết đến bộ môn thư pháp.

"Sau khi biết chữ Hán và tập tành với con đường cổ văn, mình đã biết đến bộ môn thư pháp một cách tình cờ trên mạng. Cảm thấy tâm đắc và mong muốn được nghiên cứu sâu, mình bắt đầu đọc sách, mua văn phòng tứ bửu rồi mày mò viết. Chữ đầu tiên mình viết được là "Long". Tuy nét bút còn xấu, chưa ra hình ra dáng đúng nghĩa nhưng đó là bước đầu tiên trên con đường phát triển của bản thân", Thanh Lộc kể.

 Việc lựa chọn giấy, bút và mực phù hợp giúp bức thư pháp trở nên đẹp hơn.

Những ngày mới bắt đầu tập viết, Thanh Lộc cũng gặp nhiều khó khăn. Việc chọn bút và giấy như thế nào cho phù hợp là quá trình tự mày mò và thử qua nhiều loại khác nhau. Theo Thanh Lộc, muốn viết thư pháp đẹp nên chọn loại bút kiêm hào, lông mềm, cán cứng nhưng nhẹ. Mực nên chọn mực "nhất đắc các", còn với giấy thì trong quá trình tập luyện nên chọn giấy gòn, khi đã viết rành rồi thì mới chọn giấy xuyến chỉ, giấy bán sinh bán thục... làm cho tác phẩm đẹp hơn.

Thanh Lộc tâm sự: "Trước nhất chính đam mê với cổ văn khiến mình có những quyết định sau này, thứ hai đó là mong muốn bảo tồn đúng nghĩa các giá trị văn hoá, mở ra cho giới trẻ các giá trị thực chất mà cổ văn mang lại mà trước giờ người ta vẫn hay lầm tưởng dân Hán Nôm chỉ là người hão huyền, mơ mộng viển vông rồi tự cho mình cao ngạo". 

Truyền lửa và giữ gìn nghệ thuật truyền thống

Không dừng lại ở việc học, nghiên cứu và giảng dạy chữ Hán hiện đại, Thanh Lộc quyết định mở lớp dạy thư pháp tại Trường Cao đẳng Văn Lang cho các bạn trẻ.

"Khi đặt chân vào môi trường làm việc mới, mình đã nhận được sự động viên và giúp đỡ từ thầy hiệu trưởng. Ngay từ lúc mình vừa mới bước chân vào trường phỏng vấn, bản thân mình cũng đã nung nấu ý định là sẽ thành lập một lớp thư pháp để duy trì văn hóa dân tộc đến các bạn trẻ", Thanh Lộc tâm sự.

Lớp thư pháp đầu tiên được mở với số lượng người học là 77 người. Theo Thanh Lộc, học viên theo học không chỉ có niềm yêu văn hóa dân tộc mà còn mong muốn tìm hiểu thứ mà trước giờ chưa từng nghiên cứu. Khi vào học, nhiều bạn có tính tò mò, muốn thỏa mãn tâm trí, cho nên sau khi trải nghiệm các học viên cũng đã thu nhận cho mình được một lượng kiến thức tương đối.

Bén duyên với Hán Nôm từ rất sớm, ngay từ khi còn học cấp 2, Thanh Lộc đã ấn tượng với các áng văn cổ điển. 

Tuy nhiên, Thanh Lộc nhận định đây là bộ môn tương đối khó cho nên nhiều bạn đã bỏ cuộc giữa chừng. Cho đến nay, lớp chỉ còn 26 người theo học.

"Khi kết thúc lớp chỉ còn có 26 bạn nhưng mà trong 26 bạn đó có nhiều bạn cực kỳ tiềm năng. Đây là dấu hiệu đáng mừng chứng tỏ văn hóa dân tộc vẫn còn được tiếp biến và truyền giữ qua nhiều thế hệ", Thanh Lộc nói.

Đối với Thanh Lộc, khó khăn nhất là làm sao duy trì được đam mê và vững chí trong khi có quá nhiều bạn tự cho mình không có tiềm năng, đã bỏ cuộc giữa chừng. Tuy nhiên, Thanh Lộc cũng nhận ra rằng những bạn còn theo học đã truyền động lực quý báu cho Lộc tiếp tục giảng dạy thư pháp.

Để tiếp tục theo đuổi đam mê với nghệ thuật thư pháp, Thanh Lộc cho rằng các bạn trẻ cần phải kiên định, nhẫn nại, ý chí cũng như tinh thần học hỏi ngoài những kiến thức trong sách vở. 

Trong tương lai, Thanh Lộc dự định mở lớp thư pháp chung cho tất cả những ai có nhu cầu. Lớp học sẽ kéo dài hơn và chỉ kết thúc khi học viên có thể hoàn thành được các kiến thức của khóa học cơ bản và nâng cao từ những lớp học trước.

Ngoài ra, câu lạc bộ thư pháp tại trường mà Thanh Lộc đang giảng dạy cũng sẽ tổ chức họp câu lạc bộ hàng tuần, mỗi một buổi sẽ cho thành viên luyện tập viết thư pháp để trau dồi thêm kỹ năng.

Võ Liên