Muôn vẻ vi phạm tác quyền trong hoạt động thiết kế sáng tạo ở Việt Nam

(SHTT) - Câu chuyện vi phạm tác quyền trong hoạt động thiết kế sáng tạo ở Việt Nam vẫn luôn là một vấn nạn nhức nhối. Điều này gây thiệt hại ảnh hưởng đến các hoạt động sáng tạo, môi trường đầu tư và phát triển công nghiệp văn hóa tại Việt Nam.

Những ngày gần đây, việc họa sĩ Lê Thế Anh tố "Phù thủy vẽ tranh" ở Vietnam’s got talent - Phạm Hồng Minh sao chép, ký tên lên tranh nhái khiến dư luận xôn xao.

Cụ thể, họa sĩ Lê Thế Anh tình cờ biết Phạm Hồng Minh - một họa sĩ trẻ khá có tiếng trong cộng đồng mạng, đã ký tên lên bức tranh chép từ tác phẩm “Lì xì nhé” của mình. Tác phẩm bị nhái “không chệch một ly so với bản gốc” và có chữ ký trên tranh. Khi phát hiện điều này, họa sĩ Thế Anh nhắn tin cho Phạm Hồng Minh, Minh thừa nhận mua bức tranh từ một cửa hàng tranh trên đường Trần Phú và ký tên lên tranh. Sau đó, họa sĩ Thế Anh phát hiện Minh còn có một bức tranh khác nhái từ bức “Cô gái Dao đỏ” của mình và cũng ký tên lên tranh...

 Bức "Lì xì nhé" bản gốc (trái) và chép (phải).
 Tác phẩm "Cô gái Dao đỏ" bản gốc (trái) và chép (phải).

Vụ việc này tiếp tục thổi bùng lên vấn đề được nêu ra từ lâu nhưng vẫn chưa cũ là chép tranh, mua bán tranh giả tại Việt Nam. Hơn nữa, ngang nhiên ký tên lên tranh cho thấy nhận thức của một bộ phận công chúng và những người làm sáng tạo về bản quyền tác giả vẫn còn hạn chế. Bởi việc ký tên lên tranh được hiểu là đánh dấu sự sở hữu của tác giả đối với tác phẩm do mình sáng tạo nên. Chữ ký của tác giả cũng là một phần không tách rời toàn bộ bức tranh. 

Trước đó, tác phẩm Góc khuê phòng trong triển lãm của họa sĩ Đoàn Quốc cũng bị tố "đạo nhái" ý tưởng và bố cục từ dự án Cố Du do Nguyễn Phùng Minh Luân chỉ đạo và sản xuất.

Cố Du là đoạn video được ra mắt vào năm 2020, tái hiện cuộc sống của tầng lớp quý tộc Việt Nam dưới thời Nguyễn. Tuy nhiên, đoạn teaser đã xuất hiện từ năm 2019.

Ê-kip làm phim cho biết cảnh quay bị "đạo" được đạo diễn Minh Luân lên ý tưởng và dàn dựng, kết hợp với công nghệ CGI (mô phỏng hình ảnh bằng máy tính), sau đó sử dụng các đồ vật được mua, thuê, mượn để làm thành bối cảnh quay phim, chứ không phải là cảnh trí có sẵn tại một ngôi nhà cổ nào đó.

"Ánh nắng trong cảnh quay là nắng tự nhiên. Vì vậy, việc tranh của họa sĩ Đoàn Quốc giống đến cả nguồn sáng nếu không phải là sao chép thì... chắc chỉ có ở chiều không gian khác" - anh La Quốc Bảo, thành viên ê-kip làm phim, nhận xét.

Có thể thấy, nhiều năm qua, hiện tượng tranh giả, tranh chép được thực hiện rao bán công khai trên các trang mạng xã hội, gallery là điều không phải xa lạ.

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Lương Xuân Đoàn từng phải thốt lên: “Một trong những vấn đề nhức nhối hiện nay đang tồn tại làm các nghệ sĩ phẫn nộ đó là hiện tượng vi phạm bản quyền tác giả rất nghiêm trọng, đặc biệt là tranh giả, tranh nhái, tranh chép...

Điều này làm ảnh hưởng lòng tin đối với thị trường mỹ thuật Việt Nam và gây bức xúc cho tác giả nhưng chưa có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả".

Tuy nhiên, khi thực trạng này tràn lan, tranh chép cần tuân thủ quy định khác kích thước tranh gốc và không được ký tên vào tranh. Đặc biệt, việc tranh chép được thực hiện cho mục đích kinh doanh thì người bán phải được sự đồng ý của tác giả bản gốc.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã phối hợp Vietnam Design Group tổ chức Hội thảo khoa học Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động thiết kế sáng tạo ở Việt Nam. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Tuần lễ thiết kế Việt Nam 2022.

 

Hội thảo tập trung thảo luận, trao đổi các nội dung: Khuôn khổ pháp lý hiện hành về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo; thực tiễn bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo; vai trò của bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam; giải pháp thúc đẩy bảo vệ và thực thi có hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hoá và sáng tạo ở Việt Nam...

Tại hội thảo, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhìn nhận, bảo hộ bản quyền sẽ góp phần thúc đẩy các hoạt động sáng tạo và phát triển công nghiệp văn hóa, tạo môi trường đầu tư an toàn để thu hút các nhà đầu tư đồng thời hòa nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ.

Nếu vấn đề vi phạm bản quyền tiếp tục diễn ra ở nhiều lĩnh vực với các mức độ khác nhau, việc thực thi bản quyền không nghiêm túc sẽ gây hậu quả, thiệt hại ảnh hưởng đến các hoạt động sáng tạo, môi trường đầu tư và phát triển công nghiệp văn hóa tại Việt Nam. Vì vậy cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức, ý thức về công tác bảo vệ bản quyền.

Về vai trò của bảo hộ sở hữu trí tuệ và bản quyền, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân sáng tạo (VCE Club) khẳng định: Bản quyền và bảo vệ bản quyền là yếu tố sống còn của các hoạt động sáng tạo. Bảo hộ bản quyền sẽ thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển công nghiệp văn hóa. Vì vậy bảo hộ bản quyền tác giả là điều tiên quyết bắt buộc phải thực thi, dù việc bảo hộ bản quyền sẽ hạn chế sự phổ biến của các tác phẩm, sản phẩm sáng tạo. 

Thanh Hải