Đổi mới công nghệ, đưa thương hiệu làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước vươn xa

Bụi đá bám trắng mặt người, bụi đá gắn với cuộc đời chế tác của bao thế hệ làng đá mỹ nghệ Non Nước. Nay, một số cơ sở từng bước đổi mới công nghệ trong sản xuất, giúp giảm ô nhiễm môi trường, tăng năng suất, đưa thương hiệu làng nghề trứ danh ở Đà Nẵng ngày một vươn xa.

Trao linh hồn cho tượng đá 

Đà Nẵng - vùng đất đắm say lòng người vừa có biển hiền hoà, vừa có núi non vững chãi trong lòng thành phố. Cách trung tâm thành phố 10km, núi đá Thuỷ Sơn trong danh thắng Ngũ Hành Sơn nổi tiếng không vì cảnh đẹp tựa “thiên thai”, chùa Non Nước, động Thạch Nhũ mà còn vì sự cần mẫn, tinh tế, tài hoa của con người làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước.

Vườn tượng của nghệ nhân nhân dân - nhà điêu khắc Nguyễn Long Bửu.

Chủ cơ sở đá mỹ nghệ Phan Bi nâng niu bức tượng Phật bằng đá lưu ly màu trắng trong suốt tinh xảo.

Ông niềm nở cho biết: "Trải qua nhiều thăng trầm, gần 400 năm làng đá mỹ nghệ Non Nước vẫn tồn tại và là niềm tự hào của người dân Đà Nẵng. Vào năm 2014, làng được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch công nhận là Di sản phi vật thể cấp quốc gia".

 Trước đây, đá cẩm thạch được lấy từ chân núi Ngũ Hành Sơn nhưng giờ với sự quản lý nghiêm ngặt nên nguyên liệu các loại đá chủ yếu được nhập từ vùng khác hoặc nước ngoài về.
67c35e8320ede6b3bffc
Đá Non Nước vừa là kế mưu sinh và được tôn như vị “thần” mang đến may mắn, sung túc, vững bền cho người dân, quê hương, đất nước. Nhà thờ “Thạch nghệ tổ sư” được nhân dân nhang khói hàng trăm năm qua. Hàng năm, người dân dành ngày mùng 6 tháng giêng âm lịch làm ngày giỗ tổ của nghề đá mỹ nghệ Non Nước, là nét đẹp văn hóa Đà thành. 

Đến đường Huyền Trân Công Chúa, tượng đá xếp hàng dài tạo thành con đường “vườn tượng” lớn độc đáo. Mỗi sản phẩm trưng bày ở đây hội tụ đủ kích thước, màu sắc, loại đá khác nhau. 

Tuổi ngoài 60, nghệ nhân Nguyễn Long Bửu vẫn luôn bận rộn với búa, đục. Không gian trưng bày của nghệ nhân Long Bửu là một trong những công viên nhỏ được sắp đặt ấn tượng, nghệ thuật. Vườn tượng hài hòa hai khối âm dương khơi gợi cho người xem nhiều suy ngẫm. Ông Long Bửu là người đầu tiên trong lĩnh vực điêu khắc đá được phong nghệ nhân nhân dân từ năm 2016.

“Ông cố tôi là thợ điêu khắc đá Nguyễn Chất từng được Hoàng gia Campuchia mời tham gia trùng tu công trình Angkor Wat nổi tiếng. Ông nội là Nguyễn Bình được triều đình nhà Nguyễn mời tham gia xây dựng Hoàng Thành và lăng tẩm ở Huế", ông Bửu tự hào.

Sinh trưởng trong gia đình có nghề truyền thống, cha của ông là nghệ nhân Nguyễn Sang nổi tiếng với loạt tác phẩm về tượng Phật giáo, trong đó có bộ tượng 12 vị La Hán tại nhiều ngôi chùa trên cả nước. Ông được Nhà Nước phong tặng danh hiệu Bàn tay vàng.

Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước có sự kế tục và phát triển, nhiều gia đình 7 - 8 thế hệ theo nghề như vậy. Làng có khoảng 500 cơ sở sản xuất, gần 4.000 lao động chủ yếu là thợ chế tác. 

Đá mỹ nghệ Non Nước được dùng trong đời sống sinh hoạt gồm bát đĩa, bình hoa, ấm chén. Đá phục vụ đời sống tâm linh gồm bia mộ, phù điêu, tượng Phật, tượng La Hán, tượng Chăm. Đá làm quà lưu niệm: Tượng động vật, tượng chân dung thiếu nữ Việt Nam, phương Tây, tượng các nhà cách mạng,… 

 Vườn tượng của nghệ nhân nhân dân Nguyễn Long Bửu.

Đổi mới công nghệ, đa dạng thị trường

Không chỉ có nam giới mới làm công việc đầy nặng nhọc cùng đá. Ở làng Non Nước, nhiều “bóng hồng” cũng tham gia vào những việc về đá: đánh bóng tượng, thu gom đá, thậm chí cầm dùi đục. Năm 2017, làng Non Nước di dời đến khu quy hoạch rộng 35ha, cách làng cũ khoảng 2km. 

 Những người phụ nữ gắn cuộc đời với "bụi đá" Non Nước.

Tọa lạc trên con đường cuối làng nghề, Công ty TNHH MTV Chiến Thắng Gia là 1 trong 7 cơ sở phát triển nghề đặc biệt là gom và tái chế đá dăm, đá phế phẩm của làng nghề. Chiều muộn, những nhân công của Chiến Thắng Gia vẫn tất bật không ngơi tay. 

Bà Trần Thị Minh Thắng - Giám đốc công ty đang kiểm tra hàng mới gom từ cơ sở đá mỹ nghệ trong làng cho hay đá dăm, đá phế phẩm khi đưa về sẽ được nghiền, phân loại. Tùy từng loại để tái chế thành các thành phẩm như bột đá mịn, bột đá siêu mịn làm bột trét tường, trang trí, gạch vỉa hè.

“Ngày xưa nhà tôi ở đường Lê Văn Hiến, mẹ tôi làm nghề bán đá mài, bột đá. Quanh năm mẹ thu mua từ các hộ trong làng nghề về tạo thành phẩm. Từ ngày chuyển khu quy hoạch mới này, việc thu gom thuận tiện vì gần các sở sở sản xuất hơn.

Công việc nhẹ nhàng hơn khi các cơ sở sản xuất áp dụng máy móc hiện đại.

Xưa mẹ tôi làm nhỏ lẻ chỉ đủ tiền mua gạo, mua thức ăn chứ không khấm khá được. Nay di dời đến khu quy hoạch, tôi quyết dựng lại xưởng theo mô hình mới, đổi mới công nghệ, nâng cấp máy móc. Sản phẩm ngày càng phong phú, việc sản xuất nhẹ nhàng mà sản lượng cũng nhiều hơn", bà Thắng bày tỏ.

Người đàn bà làng đá cứng cỏi Minh Thắng nghĩ là làm. Bà đầu tư tiền tỷ để mua máy nghiền bột đá với 16 túi lọc bụi, giảm được đáng kể bụi thải ra môi trường.

Áp dụng công nghệ hiện đại giúp giảm đáng kể bụi đá nên dễ tuyển nhân công hơn.

"Dù trải qua đại dịch Covid - 19, công ty tôi vẫn đều đặn tạo đơn hàng, duy trì việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Năng suất tăng từ 3 - 4 lần, nên việc kinh doanh của công ty ngày càng phát triển", bà Thắng cho hay.

Nhớ lại khi còn làm thủ công, chưa đầu tư máy móc, mỗi ngày cơ sở sản xuất một lượng hàng hạn chế. Nhiều khi khách hàng đặt hàng nhưng bà Thắng không dám nhận vì sợ làm không kịp. Giờ đây, công ty có thể cung ứng liên tục và ký hợp đồng dài hạn với đối tác mà không sợ bị đứt quãng. Hiện Chiến Thắng Gia đang cung cấp ra thị trường trên 1.000 tấn bột đá mịn/tháng, trong đó nhiều khách hàng mới trở thành đối tác và đại lý phân phối lớn của công ty.

 Bột đá được sản xuất từ phế phẩm, đá dăm tại làng nghề Non Nước.

Trong làng đá, ông Nguyễn Văn Toan cũng đầu tư hệ thống máy tiện đá tự động, ứng dụng lập trình với giá hơn 790 triệu đồng. "Chúng tôi quyết định đầu tư hệ thống máy tiện tự động 100% ứng dụng lập trình, tiện đúng mẫu mã, tỷ lệ sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng", ông Toan phấn khởi chia sẻ.

Trước đây, mỗi thợ một máy chỉ làm khoảng 3 sản phẩm/ngày. Bây giờ máy tiện tự động có thể làm tới 8 sản phẩm/ 15 phút chất lượng đồng đều, đẹp; công suất tăng 20 lần''.

Những cơ sở sản xuất đầu tư, cải tiến máy móc thiết bị kịp thời giúp công nhân, người lao động chưa phải nghỉ việc ngày nào cả khi diễn ra đại dịch Covid-19. Hiện một số cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ hiện đại. Nếu được ứng dụng rộng rãi, làng nghề chắc chắn sẽ còn tạo ra được nhiều sản phẩm có giá trị, đáp ứng đa dạng nhu cầu khách hàng.

 Du khách thích thú đi tham quan, mua sắm đá mỹ nghệ.

Du lịch phục hồi, du khách trở lại cũng kéo theo sản phẩm làng nghề vươn ra ra các thị trường Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Australia và đơn hàng từ Châu Âu… Một số hợp đồng trị giá hàng trăm ngàn USD.

Bảo Hòa