Triệu hồi Mercedes-Benz C300 đời 2022 vì có khả năng chập điện

(SHTT) - Mercedes-Benz vừa đưa ra thông báo triệu hồi tổng cộng 6.752 chiếc C-Class, đa phần trong số đó là mẫu C300. Nguyên nhân được xác định là do lỗi lọt nước vào cốp xe, có thể gây chập điện.

Mercedes-Benz đã nhận được các khiếu nại liên quan đến sự cố nước lọt vào cốp xe trên mẫu C300 đời 2022 vào tháng 5 năm nay. Hãng xe Đức đã điều tra và xác định khi nắp cốp đọng nước, việc mở cốp có thể khiến nước vào cốp.

Nước trong cốp có thể lọt vào module SAM (Signal Acquisition Module), vốn là hộp nhận tín hiệu từ các cảm biến trên mẫu C-Class.

Được biết, module này là nơi thu nhận tín hiệu của xe, tương tự cách hoạt động của bộ định tuyến mạng trên máy tính. Khi nhấn một nút trên ôtô, tín hiệu sẽ đi qua module này và truyền đến các bộ phận khác, điều khiển các tính năng trên xe.

Theo báo cáo do Mercedes-Benz gửi đến Cục An toàn Giao thông Đường bộ Quốc gia Mỹ (NHTSA), module SAM phía sau trên mẫu C-Class liên kết với 9 bộ phận khác nhau.

 

Qua đó, việc chập điện ở module SAM có thể dẫn đến các sự cố như điều khiển ghế sau bị lỗi, hỏng đèn chiếu hậu và camera phía sau. Từ ngày 17/5 đến ngày 23/8, hãng xe Đức đã nhận được 42 đơn khiếu nại về lỗi này tại thị trường Mỹ.

Vì vậy Mercedes-Benz tổ chức đợt triệu hồi với tổng cộng 6.752 chiếc C-Class bị ảnh hưởng, đa phần trong số đó là mẫu C 300, được sản xuất từ ngày 24/6/2021 đến ngày 13/5/2022.

Mới đây, hãng sản xuất ôtô Mercedes-Benz của Đức cũng tổ chức đợt triệu hồi để sửa chữa hơn 10.000 xe ôtô nhập khẩu tại thị trường Trung Quốc do lo ngại vấn đề an toàn. 

Theo SAMR, 11.212 xe thể thao đa dụng GLE SUV và GLS SUV được sản xuất từ ngày 28/10/2018 đến ngày 8/11/2021 cũng như 660 xe EQS được sản xuất từ ngày 3/9/2021 đến ngày 25/11/2021 thuộc diện triệu hồi lần này.

Nguyên nhân thu hồi là do cáp nối đất của ắc quy xe có thể gây hỏa hoạn. Trong khi đó, các xe EQS sẽ được triệu hồi từ ngày 1/9 với lý do các ren trên ốc vít kiểm soát lực kéo trên cản trước và sau của xe có thể không đáp ứng các thông số kỹ thuật, có thể dẫn đến rủi ro an toàn.

Mercedes-Benz cam kết sẽ kiểm tra và sửa chữa hoặc thay thế miễn phí các bộ phận bị lỗi kỹ thuật.

Trước đó, Mercedes cũng đã đưa ra quyết định triệu hồi 1.168 chiếc GLC 350e. Nguyên nhân là do hệ thống dây điện trên một số chiếc Mercedes GLC sản xuất năm 2020 có thể bị ăn mòn bởi trục truyền động.

Lần đầu Mercedes nhận được thông tin về vấn đề này vào tháng 9/2020, khi một khách hàng bên ngoài Mỹ phàn nàn rằng xe của họ đột ngột dừng khi đang lái. Công ty đã điều tra và phát hiện vấn đề tương tự cũng xảy ra ở các mẫu xe được sản xuất tại các nhà máy lắp GLC và E-Class. Vì những sự cố này xảy ra trên các phiên bản và nhà máy khác nhau, nên Mercedes xác định rằng vấn đề không xuất phát từ lỗi kỹ thuật mà có thể từ nhà cung cấp dây điện.

Cuối cùng, Mercedes phát hiện ra rằng, dây điện truyền động đã bị đặt sai vị trí trong một số phương tiện nhất định. Điều đó khiến cho hệ thống này tiếp xúc liên tục với trục truyền động phía trước. Dần dần theo thời gian, việc tiếp xúc này tạo ra sự ăn mòn trên dây dẫn và cuối cùng dẫn đến mất lực đẩy của xe, làm tăng nguy cơ va chạm.

Thanh Hà