Mua bán giáo án: Tư duy sáng tạo của giáo viên nay còn đâu?

Tình trạng giáo án trở thành món hàng được rao bán trên các "chợ online" không còn lạ, đặt ra bài toán về tư duy sáng tạo của giáo viên hiện nay.

Đầu năm học là thời điểm các hội nhóm trên mạng xã hội lại sôi nổi hoạt động mua bán giáo án các khối lớp. Năm nay, nhiều khối lớp bắt đầu thay đổi sách giáo khoa, áp dụng chương trình học mới cho nên hoạt động này trở nên nhộn nhịp hơn. Việc trao đổi và mua bán công khai với số lượng thành viên rất đông ở các hội nhóm cũng đã phản ánh được nhu cầu lớn từ người mua.

Sôi động "chợ giáo án"

Chỉ cần gõ từ khóa “giáo án” trên mạng xã hội Facebook, phóng viên (PV) dễ dàng tìm thấy nhiều hội nhóm công khai mua bán giáo án các khối lớp với nhiều môn học khác nhau. Một số hội nhóm được giới thiệu là “hỗ trợ” cho các thầy cô trong việc soạn giáo án, nhưng thực chất là các "chợ" trao đổi mua bán. 

Điển hình, nhóm “Giáo án 5512 cho giáo viên” trên Facebook có 28.000 thành viên, được giới thiệu là “Hỗ trợ thầy cô giáo án, bài giảng PowerPoint”. Thế nhưng chỉ cần đăng tải bài viết hoặc để lại bình luận về nhu cầu "mua giáo án", hàng chục tài khoản sẽ ùa vào để chào hàng, trao đổi. 

Trong vai người tìm mua giáo án môn Ngữ văn 7 theo chương trình mới, PV liên hệ với tài khoản V.Đ có bài đăng bán giáo án các môn trên nhóm “Giáo án 5512 cho giáo viên”. Ngay lập tức, PV nhận được bảng giá chi tiết và hàng loạt mẫu giáo án.

Bảng giá được chia làm hai mục là thời gian bàn giao giáo án Word/PowerPoint và chi phí. Phí giáo án cho phần Word của môn Ngữ văn 7 - bộ Chân trời sáng tạo là 450.000 đồng, còn giáo án phần PowerPoint có giá 550.000 đồng cho cả năm học. Người này cũng cho biết thêm nếu mua cả phần Word và Powerpoint thì giá chỉ 800.000 đồng, được gửi thành hai đợt. Để thu hút người mua, người bán còn tặng miễn phí bộ 100 trò chơi chuyên đề dạy thêm học sinh giỏi, giáo án STEM, 1 bộ giáo án khác khối.

Giáo án được cho là soạn theo Công văn 5512/BGDĐT/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo các bước: Xác định vấn đề; hình thành kiến thức mới; luyện tập; vận dụng. Ảnh chụp màn hình

PV liên hệ thêm một tài khoản có tên N.S để tìm mua bộ giáo án môn Toán theo chương trình giảng dạy mới. Khi được hỏi mẫu giáo án, tài khoản N.S nhiệt tình gửi hàng loạt mẫu với những thiết kế nội dung bài giảng sôi động và bắt mắt. N.S cho biết giá bán trọn bộ phần Word và PowerPoint môn Toán 7 - bộ Chân trời sáng tạo là 400.000 đồng, tạm thời sẽ giao trước nửa học kì I.

Theo đó, người bán còn gửi cho PV một bảng chi phí và thời gian chuyển giao giáo án môn Văn và môn Toán rất cụ thể: “Thanh toán 1 lần, chi phí ưu đãi là 700/bộ Word+PPT đồng bộ cả năm. Thanh toán theo đợt phí tổng 800/ bộ. Hiện đã giao Word HK1 và PPT (PowerPoint - phóng viên) 1/2 học kì I. Tặng kèm Word 5512 1 trong các khối còn lại (8-9-11-12); Giảm phí bộ 6”. 

Lịch và chi phí chuyển giao giáo án môn Văn và Toán được người bán cung cấp. Ảnh chụp màn hình

Điều đáng nói, một số thành viên trong nhóm này cũng đăng tải những cảnh báo có các tài khoản đã mua tài liệu rồi bán lại cho nhiều người khác. Việc rao bán rầm rộ giáo án trong các hội nhóm cũng phản ánh được nhu cầu lớn của người mua. 

Bán giáo án kèm theo nhiều “dịch vụ” khác

Theo quan sát của PV, số lượng người đăng tải thông tin, tìm mua và rao bán giáo án trở nên nhiều trong khoảng thời gian đầu năm học mới. Mỗi bài đăng tải có nhu cầu mua thì có đến hàng chục tài khoản bình luận để chào hàng, kèm theo một số ưu đãi để thu hút khách hàng.

Điểm chung của các hội nhóm này là rao bán nhiều giáo án các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 với nhiều môn học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Giáo án được quảng cáo là “sát với chương trình”, “sáng tạo và sôi động”, “độc quyền”. Các nhóm rao bán giáo án lên đến hàng chục nghìn thành viên, trong đó phần nhiều là giáo viên tham gia những phiên chợ này.

Soạn giáo án trước khi giảng dạy là nhiệm vụ của giáo viên, nhưng với những quy định mới đặt ra như hiện nay, việc soạn giáo án là gánh nặng. Từ đó, các phiên chợ mua bán đã “biến” giáo án trở thành loại hàng hóa, dịch vụ thay vì những nội dung sáng tạo của giáo viên. 

Ngoài việc rao bán giáo án, các nhóm này còn nhận soạn thêm phần nội dung bài giảng theo yêu cầu của khách hàng. Chẳng hạn, phần bài tập và phần trò chơi cuối bài giảng cho học sinh.

Tài khoản N.S cho biết “Phần trò chơi nếu muốn soạn thêm nhóm vẫn soạn thêm được theo yêu cầu, nhưng giao theo phân phối chương trình, không giao một lần”. Mỗi phần trò chơi cuối bài giảng được rao bán với giá 50.000 đồng. Người bán còn tiết lộ có nhận soạn thêm sáng kiến kinh nghiệm và các đề tài nghiên cứu khoa học.

Với mỗi giáo viên, để bài giảng đạt được chất lượng thì sự hỗ trợ của giáo án là điều vô cùng cần thiết. Việc soạn giáo án, chuẩn bị bài giảng theo phương pháp riêng không chỉ thể hiện sự tâm huyết, mà còn là hình ảnh đẹp của những người đưa đò.

Thế nhưng, lấy ý tưởng, nội dung sáng tạo của người khác để trở thành bài giảng của mình liệu có phù hợp với môi trường giáo dục? Có phải bệnh thành tích, gánh nặng kiến thức đang khiến nhiều giáo viên hiện nay lười sáng tạo, tư duy?

Võ Liên