Xã hội số: Những con số nổi bật trong số 6 tháng đầu năm 2022

(SHTT) - Nếu như chính phủ, các cơ quan bộ, ngành địa phương thúc đẩy chính phủ số; các doanh nghiệp và giao dịch điện tử thúc đẩy kinh tế số thì xã hội số được thúc đẩy chủ yếu bởi người dân. Dưới đây là những con số nổi bật trong công tác CĐS 6 tháng đầu năm 2022 lĩnh vực xã hội số.

Trích định nghĩa từ Wikipedia: "Xã hội là một nhóm những cá nhân liên quan đến tương tác xã hội một cách thường xuyên, hoặc một nhóm xã hội lớn có chung lãnh thổ không gian hoặc xã hội, thường chịu cùng thẩm quyền chính trị và các kỳ vọng văn hóa chi phối".

Vậy xã hội bản chất là được xây dựng bởi chính người dân của các nhóm khu vực, quốc gia có tương tác xã hội một cách thường xuyên và xã hội số là sự hình thành lên các nhóm cá nhân có tương tác xã hội một cách thường xuyên với nhau trên không gian số. Xã hội số có thể coi là chuyển đổi từ xã hội hiện đại lên môi trường số một cách thường xuyên.

Tuy nhiên không phải ai cũng nhận ra điều này và nhiều khi chính bản thân nhiều người dân Việt Nam cũng mơ hồi về xã hội số.

 

Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số Việt Nam mới đây đã công bố báo cáo về hoạt động của người dân trên các nền tảng số di động trong 6 tháng đầu năm với nhiều con số nổi bật.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã có xấp xỉ 200 triệu lượt tải mới các ứng dụng di động (riêng tháng 6/2022) đưa Việt Nam xếp hạng thứ 7 toàn cầu về tổng số lượt tải mới.

Bên cạnh đó, từ tháng 1-6/2022, nước ta đã có hơn 100 triệu lượt người dùng hằng tháng trên tất cả các nền tảng số di động. Có 8 nền tảng số Việt Nam với trên 10 triệu người dùng thường xuyên hằng tháng.

Có hơn 2,9 triệu lượt người dùng trong 06 tháng đầu năm 2022 trên nền tảng “Thanh niên Việt Nam”.

Theo báo cáo này, chỉ trong tháng 6, trung bình mỗi người tại Việt Nam sử dụng khoảng 1,7 giờ mỗi ngày để hoạt động trên các nền tảng số di động Việt Nam.

Các con số tổng hợp cho thấy, số lượng các nền tảng số Việt Nam có phát sinh người dùng thường xuyên hằng tháng cũng đã tăng 8,47% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, bảng số liệu dưới đây minh chứng sự tăng trưởng vượt bậc của việc sử dụng các nền tảng số, nền tảng di động tại Việt Nam:

 

Bên cạnh những thành tự chúng ta đã đạt được, đặc biệt trong 6 tháng đầu năm, vẫn có thể thấy rằng việc phát triển xã hội số tại Việt Nam còn đang tồn tại nhiều rào cản.

Có thể nhận thấy rõ nhất chính là các nền tảng xuyên biên giới vẫn chiếm thị phần đáng kể về số lượng người dùng thường xuyên ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Đặc biệt nhóm các nền tảng ảnh hưởng mạnh đến xã hội số như mạng xã hội, nền tảng giải trí, tin tức, mua sắm, thanh toán thì "thói quen" và "xu hướng" là sự ảnh hưởng bao chùm đến thói quen sử dụng của người Việt.

Trạng thái bình thường mới ghi nhận sự thay đổi của người dùng và thời gian sử dụng với các nhóm nền tảng khác nhau. Nếu nhiều nhóm nền tảng như mua sắm, điện ảnh, họp trực tuyến ghi nhận sự sụt giảm về số lượng người dùng và thời lượng sử dụng thì một số nhóm nền tảng có sự tăng trưởng đáng kể (như nhóm nền tảng phục vụ du lịch, nền tảng phục vụ đi lại và các nền tảng phục vụ việc học ôn luyện kiến thức phổ thông)

Các chuyên gia cũng đánh giá, kỹ năng số của người dân còn chưa cao, người dân cũng không thực sự quan tâm đến các nền tảng có chứa tri thức trên không gian số. Khảo sát thực tế cho thấy các nền tảng số đọc sách, học thêm, học trực tuyến ít được quan tâm hơn nhóm các nền tảng như mạng xã hội, giải trí, mua sắm.

Đặc biệt, người dân chưa thực sự quan tâm đến việc tự đảm bảo an toàn thông tin trên môi trường mạng. Vẫn luôn có nhiều vụ việc về các ứng dụng lừa đảo cũng như việc thiếu cách giác khi sử dụng các nền tảng xuyên biên giới mà không biết việc thông tin cá nhân bị thu thập và chuyển ra ngoài Việt Nam với nhiều mục đích sử dụng khác.

Có thể thấy là mọi hoạt động của người dân, đặc biệt là trên không gian mạng thông qua các thiết bị di dộng là cấu phần thiết yếu để thúc đẩy xã hội số.

 

Những con số nổi bật trên về hoạt động của người dân trên các nền tảng số di động trong 6 tháng đầu năm đã minh hoạt một cách rõ ràng rằng xã hội số đang tự hình thành từ chính các hoạt động của người dân với các tương tác số mà ngày một thường xuyên và đã dần trở thành thói quen trong bất cứ ai.

Các chuyên gia cũng cảnh báo về tính trạng người dân khi sử dụng các nền tảng số có thể chia sẻ những nội dung gây ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến chính trị của nước nhà, có thể có những thói quen, xu hướng mà chúng ta tạo ra đang làm xấu đi kì vọng văn hóa của xã hội hiện tại. Do đó, khi sử dụng mạng xã hội và các nền tảng số chúng ta cần sử dụng một cách có cân nhắc và thông minh.

Để xã hội số thực sự phát triển và trở thành 1 trong 3 trụ cột cốt lõi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia thì trong xã hội hiện tại hay xã hội số của 10, 20 năm nữa thì cũng cần sự chung tay đoàn kết, hiểu đúng và làm tốt của mỗi cá nhân. 

Tất nhiên bên cạnh đó, xã hội số muốn phát triển cũng phải đi kèm với nhận thức số và nguồn nhân lực số, vì vậy đào tạo, tập huấn, định hướng nhận thức đúng vẫn luôn là yêu cầu cơ bản và bắt buộc nhất.

Minh An