Yến sào Cù Lao Chàm: Những 'ông bố nuôi’ của vạn con chim yến

Với mong muốn duy trì và phát triển thương hiệu Yến sào Cù Lao Chàm, những người đàn ông miền đảo thô kệch lại trở nên nhẹ nhàng trong vai trò "bố nuôi" của đàn chim yến.

Dù đã được cấp chỉ dẫn địa lý, sản phẩm Yến sào Cù Lao Chàm – Hội An vẫn là mặt hàng khan hiếm, khó mua, chủ yếu chỉ xuất khẩu bởi sản lượng gần đây sụt giảm nghiêm trọng vì nhiều nguyên nhân. Việc phục hồi, bảo tồn yến đặt ra nhu cầu cấp thiết đối với hệ sinh thái nói chung và nguồn thu của TP Hội An (Quảng Nam) nói riêng.

Đảo yến ở Cù Lao Chàm.

Lao vào gian khổ vì … yến

Cuối đường có hai bên cỏ rì rạp dẫn vào căn nhà cấp bốn bên hông cảng Cửa Đại là nơi thực hiện đề tài nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật ấp trứng và nuôi nhân tạo chim yến đảo Cù Lao Chàm – Hội An. Đề tài có thời gian thực hiện 2 năm 2021 – 2022.

Hàng trăm tổ y như thật bằng nhựa và vải mềm tương đồng với vách hang nuôi dưỡng chim yến non. Cạnh đó, người đàn ông đang bón đút từng chút thức ăn khi yến con liên tục lúc lắc. Chăm lo thay “bố mẹ” chim yến là TS. Võ Tấn Phong - chủ đề tài.

TS. Võ Tấn Phong vốn là thầy giáo môn Sinh học 15 năm công tác tại TP Hội An.

Năm 2012 ông gắn bó với anh em Ban Quản lý để tìm hiểu sâu chuỗi thức ăn, sinh sản và bảo tồn chim yến. Theo tiếng gọi đam mê, năm 2017 ông trở thành chuyên viên khoa học của Ban Quản lý và khai thác Yến sào Cù Lao Chàm - Hội An.

Ông nhớ lại cảm giác nâng niu từng quả trứng quý giá xin để ấp nở làm luận án tiến sĩ: “Mượn được máy ấp gà của bạn. Cứ 30 phút tôi chạy xuống cầm nhiệt kế xem, không tin tưởng máy ấp vì sợ nhiệt độ cao quá sẽ chín luôn trứng, mà lạnh quá thì cũng chết”.

Ai cũng nói loài này dễ gì nuôi. Ông Phong lân la vào Khánh Hòa học, học từ bạn bè nước ngoài, có khi “liều” xin thầy đến ngồi hội thảo chỉ để được hỏi. Hai năm đầu không thất bại hoàn toàn song tỷ lệ sống thấp, chim chết yểu trước khi trưởng thành vì thiếu chất. Lắm lúc chim con chết la liệt … ông cũng chùng lòng.

Phôi đầu tiên nở, cảm giác vỡ òa. Giai đoạn sau nở không biết cho ăn gì, mua sữa bột trẻ em lấy panh (dụng cụ giống kéo dùng trong y tế - PV) đút, tay mỏi cũng không thể bỏ đàn “con mọn” đói. Thức đêm này qua đêm khác với yến mà nó vẫn chết.

Vào hang lấy trứng nghiên cứu ấp nở.

“Hồi đó trường cách nhà 4km, cứ hết tiết là chạy ù về nhà cho chim ăn. Ngày đi dạy lúc nào cũng quần áo thẳng thớm, bỏ dạy ra đảo mấy năm dang nắng nên nhìn phờ phạc, đen nhẻm. Đôi khi sóng đánh vào nguy hiểm, cuốn trôi hết đồ. Ngước lên trời, tôi nghĩ: “Tại mình chọn thôi chứ ai ép mình’, tiến sĩ Phong cười.

“Một hôm nằm ngủ tôi nghe chim non kêu chít chít trong máy, ngồi xuống ngó miết và thấy thật sự hạnh phúc”, ông vừa cân chim đủ ngày ra đảo vừa vui kể.

Địa hình phức tạp, vận chuyển trứng ấp nở dễ đổ vỡ. Trứng chim mang về cảng Cửa Đại được phân ngày tuổi rồi ấp nở trong 24 ngày. Đối với yến, phải thăm khám, chăm sóc thường xuyên nhất là những con chào đời sớm. Kinh phí hạn hẹp, nhân sự mỏng nên chỉ ấp nở dừng lại từ 500 – 600 trứng/đợt. Đến nay tỷ lệ bay đã lên tới 90%, mỗi năm cấp thêm cho đảo hơn 1.000 chim.

Những 'ông bố nuôi’ của Yến                                                         

Cùng giải pháp ấp nở nhân tạo, đề tài khoa học và đề xuất giải pháp cứu hộ chim yến đảo Cù Lao Chàm thực hiện từ tháng 8/2018. Trời mùa hạ càng nóng bức, chim non bị động cựa quậy rồi rơi rớt khỏi tổ Yến mẹ gặp nạn càng nhiều, máu chim non dính đầy hang đá.

 Chim non rơi xuống đáy hang lên đến 5000 con/mùa.

Đến mùa sinh sản chim yến kín đầy các vách. Số chim yếu ớt phải nhờ các kỹ sư giăng hệ thống lưới đỡ như võng tựa cánh tay khổng lồ ôm lấy thân thể chim non bé nhỏ chấn thương ngoẹo đầu, ngoẹo cánh. Chúng được đem về nuôi, tránh làm mồi ngon cho chuột đá, mèo hoang, cá biển.

“Thời điểm chim nở đồng loạt, soi đèn đi nhặt cả ngày lẫn đêm như thế nhưng sáng mai chim non vẫn chết. Có trông coi hang mới thấm buồn chim non chết “bất đắc kỳ tử”, ông Cao Văn Năm - Trưởng ban quản lý chia sẻ.

 Biến động sản lượng từ năm 2010 - 2020.

Cù Lao Chàm là “viên ngọc nhỏ” của Hội An với những hang yến mỗi năm “đẻ vàng trắng”, có từ 60 – 70 tỷ đồng nguồn lợi. Gần đây, tác động của biến đổi khí hậu, suy giảm hệ sinh thái, vùng kiếm ăn, tình trạng bắt chim yến vào trong đất liền nuôi khiến sản lượng giảm sâu. Tính sản lượng cao nhất năm 2013 - 2020 giảm tới 762 kg (giảm 57,6%).

Bên cạnh áp dụng cơi nới, giữ ấm cho hang yến, việc dẫn dụ chim yến về hang mới cũng được chú ý nhưng tỉ lệ tăng đàn không cao. Năm 2017, UBND tỉnh Quảng Nam cho phép xây dựng “bệnh viện” yến trên vách đá thông với hang yến tự nhiên.

Nhà cứu hộ Yến diện tích 150m2 tại hang mũi Dứa.

"Bệnh viện" yến vừa là nơi ăn, ở, sinh hoạt của kỹ sư vừa là nơi “phục hồi chức năng” cứu hộ, săn sóc yến suốt 45 ngày đến khi đủ lông cánh, tập bay rồi trả về hoang dã.

"Bệnh viện Yến" trên vách đá

Chim non cứu về được các “ông bố nuôi” chăm bẵm, phối trộn thức ăn cầu kỳ: dế, trứng gà, trứng kiến ... xay nhuyễn, chưng lên và đút từng con vào 3 khung giờ/ngày.

Hi vọng sản phẩm không còn khan hiếm

Quần thể chim yến ở Cù Lao Chàm phân bố 11 hang yến với số lượng 100.000 cá thể, mỗi hang luôn có 3 nhân sự của Ban quản lý túc trực bảo vệ và đồng thời căng mắt căng tai nghe ngóng tình hình yến nở.

Để đảm bảo nguồn lợi sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý Yến sào Cù Lao Chàm – Hội An được khai thác phát triển lâu dài, đề tài của ông Huỳnh Tỵ, tiến sĩ Phong và đồng nghiệp theo đuổi mang lại hi vọng phục hồi giống chim quý. “Đề tài đã đặt nền móng hướng cho tương lai chúng ta có thể phục hồi chim yến tự nhiên bằng phương pháp công nghiệp”, PGS. TS Đinh Thị Phương Anh, Chuyên gia tư vấn khoa học cho biết.

 Chim sắp đủ ngày thả bay.

Đầu tháng 8, ông Phong chộn rộn tư trang trở lại hang Tò Vò. Gần đến nhà điều hành chim yến, nhà tập bay kết nối liên hoàn với hang yến tự nhiên ríu ran tiếng chim. Lần này ra đảo, ông Phong sẽ thả hàng trăm cá thể yến chăm sóc từ sơ sinh 7 – 20 ngày tuổi.

Dù "mớm" ăn không ít ngày, đàn chim thả ra vẫn luyến người, đậu nhẹ trên tóc như tạm biệt khuôn mặt sắc đen vì nắng biển của “ông bố nuôi” rồi sải cánh vút lên bay theo đàn. Dõi theo đường bay, ông hi vọng quần thể yến tái đàn mạnh mẽ, nhanh hòa nhập và Yến sào Cù Lao Chàm sẽ lại dồi dào.

Bảo Hòa