Biến đổi khí hậu có thể làm giảm bão, lốc nhiệt đới

(SHTT) - Một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Melbourne (Australia) đã chỉ ra rằng, sự biến đổi khí hậu đang làm giảm khả năng xảy ra hiện tượng lốc xoáy nhiệt đới trên khắp thế giới. Số lượng bão, lốc hàng năm đã giảm khoảng 13% trong thế kỷ 20, so với giai đoạn từ năm 1850 đến năm 1900.

Theo bài viết đăng tải trên Daily Mail, các chuyên gia tại Đại học Melbourne cho biết, đối với phần lớn trong số  7 lưu vực xoáy thuận nhiệt đới trải khắp hành tinh, hiện tượng suy giảm về tần suất đã tăng nhanh kể từ thập niên 1950, chủ yếu là do sự suy yếu của hoàn lưu khí quyển nhiệt đới. Điều này cho thấy khả năng biến đổi khí hậu đã làm giảm số lượng các xoáy thuận nhiệt đới.

Ngoại lệ duy nhất cho xu hướng này là lưu vực Bắc Đại Tây Dương, nơi số lượng xoáy thuận nhiệt đới đã tăng lên trong những thập kỷ gần đây.

Tuy nhiên, số lượng các cơn bão hàng năm vẫn thấp hơn so với thời kỳ tiền công nghiệp.

 

Tuy nhiên, nhóm nhà nghiên cứu Đại học Melbourne lưu ý tần suất chỉ là một trong nhiều yếu tố gây ra những nguy hiểm của xoáy thuận nhiệt đới. Và nghiên cứu của họ không bao gồm thay đổi về cường độ hoặc vị trí.

Xoáy thuận nhiệt đới chỉ hình thành trên các vùng biển nằm ở vĩ độ thấp. Dạng bão, lốc này xảy ra khi nhiệt độ mặt biển từ 27 độ C trở lên và hội tụ gió cấp thấp khiến không khí bốc lên và hình thành các đám mây bão.

Do dữ liệu lịch sử về tần suất các cơn bão, lốc không đầy đủ, đặc biệt là trước năm 1950, nên các chuyên gia đã phải sử dụng kết hợp những hồ sơ trong quá khứ và phương pháp mô hình hóa. Nghiên cứu này vừa được công bố trên tạp chí Nature Climate Change.

Trước đó, một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng khí hậu của Trái Đất biến đổi nhanh theo chiều hướng tiêu cực cùng với tỷ lệcây xạnh bao phủ ngày càng thấp có thể khiến chúng ta phải đối mặt với nạn hạn hán nghiêm trọng vào năm 2030.

 

Vào khoảng những năm 2030, ở nơi tận cùng Trái đất, vùng biển Bắc Băng Dương được dự đoán sẽ lần đầu tiên trải qua mùa hè hoàn toàn không có băng, khiến diện tích mặt biển tại Bắc Cực mở rộng. Ngay cả những vùng băng biển lâu năm tạo bởi nhiều tầng băng dày xếp chồng lên nhau, được che chắn trong các vịnh hẹp cũng không thể đứng vững trước sự ấm lên của nền nhiệt. Chúng bắt đầu tan thành nước. Hệ quả, những rừng tảo vốn bám vào bề mặt bên dưới các tảng băng bị cuốn trôi vào đại dương, gây ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi thức ăn Bắc Cực.

Ngoài ra, màu trắng của băng giúp phản xạ bức xạ Mặt trời trở lại không gian, nên khi lượng băng trên Trái đất bị tan dần qua từng năm, bề mặt hành tinh trở nên ít “trắng” hơn, dẫn đến sức phản chiếu ánh sáng giảm sút, đẩy tốc độ ấm lên toàn cầu tăng vọt. Bắc Cực lúc này đã đánh mất khả năng làm mát hành tinh.

Mai An