Nhà báo Đỗ Đình Tấn ra mắt quyển sách về vấn nạn tin giả

Ngày 18/06 tại Trung tâm Báo chí TP.HCM (255 Trần Hưng Đạo, Quận 1, TP.HCM) diễn ra buổi họp báo ra mắt sách “Fake news và chống Fake news – Vì sao cái giả lại hấp dẫn hơn cái thật?” Họp báo thu hút đông đảo các nhà báo và sinh viên ngành báo chí, truyền thông tham dự.

Nhân kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2022), Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cuộc họp báo giao lưu, giới thiệu tác phẩm “Fake news và chống Fake news – Vì sao cái giả lại hấp dẫn hơn cái thật?” do tác giả Đỗ Đình Tấn chấp bút.

Nhà báo Đỗ Đình Tấn và nhà báo Phạm Thục nhận hoa từ NXB Tổng hợp TP.HCM và Trung tâm Báo chí TP.HCM. 

Tham gia buổi giao lưu có sự góp mặt của nhà báo Phạm Thục – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhà báo Chính trị - Xã hội thuộc hội nhà báo TP.HCM. Ngoài ra còn có sự hiện diện của bà An Thị Liên Phương - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Báo chí TP.HCM; ông Nguyễn Văn Khanh - Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí TP.HCM; bà Đinh Thị Thanh Thủy  - Giám đốc, Tổng biên tập NXB Tổng hợp TP.HCM; bà Nguyễn Ánh Tuyết – Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập NXB Tổng hợp TP.HCM và đông đảo các nhà báo, sinh viên ngành báo chí, truyền thông tham dự. 

 Nhà báo Đỗ Đình Tấn đang chia sẻ tại buổi họp báo. 

Chia sẻ tại buổi họp báo về cơ duyên viết tác phẩm, ông Đỗ Đình Tấn cho biết: “Tôi quyết định viết tác phẩm này vào thời điểm đang trải qua thời kì khủng hoảng của dịch bệnh Covid-19. Trước khoảng thời gian đó, nhiều lần tôi ngồi ở các quán cafe và nghe được những câu chuyện về fake news. Bản thân tôi cũng hiểu đó là tin giả nhưng không hiểu được tại sao lại phổ biến khắp thế giới và gây ra những tác hại. Từ đó tôi quyết định đi tìm và tra cứu những tư liệu cập nhật và những tham luận của các nhà nghiên cứu được trình bày tại một cuộc hội thảo quốc tế ở Canada vào năm 2018 để có thể viết ra quyển sách này”.

Diện mạo quyển sách “Fake news và chống Fake news – Vì sao cái giả lại hấp dẫn hơn cái thật?”. 

Được biết, tác giả Đỗ Đình Tấn mất hơn 2 năm để hoàn thiện về mặt nội dung và về mặt pháp lý của quyển sách này. Nội dung quyển sách gồm 5 chương (Fake news, sự lây lan và mục đích được tạo ra; Tin giả, thách thức và khủng hoảng báo chí; Báo chí tự cứu lấy mình và chống tin giả; Pháp luật, cách tiếp cận và chọn lựa khác; Xoá mù, kiến thức và kỹ năng số cho công dân) với mục đích mang lại cho độc giả những kiến thức và cách phân biệt fake news. Theo đó, “Fake news” là một thông tin hoàn toàn giả hoặc bịa đặt, phóng đại hay bóp méo, xuyên tạc đến mức không còn là thật, xuất hiện dưới dạng tin tức báo chí, lan truyền chủ yếu trên mạng xã hội qua việc chia sẻ, để đánh lừa công chúng nhằm đạt được một mục đích (chính trị, ý thức hệ, kinh tế, lợi ích…) nào đó.

Nhà báo Đỗ Đình Tấn từng làm việc tại báo Tuổi trẻ từ năm 1986 đến 2013. Ông là phóng viên của Ban Chính trị - Xã hội và từng giữ các chức vụ như: Tổ trưởng Tổ quốc tế; Thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ Chủ nhật (Tuổi Trẻ cuối tuần); Phó Tổng thư ký tòa soạn báo hàng ngày, kiêm Trưởng ban Quốc tế báo Tuổi Trẻ.

Những tác phẩm mà nhà báo Đỗ Đình Tấn đã xuất bản: Một nền báo chí phẳng (2014), Báo chí lương tâm (2016), Báo chí và mạng xã hội (2017), Truyền thông và Kinh doanh (2019). Ngoài ra còn có những tác phẩm dịch như: Nước Nhật mua cả thế giới, Chiến tranh vùng Vịnh, Bí kíp dạy con từ 0 - 16 tuổi (ba cuốn), Scarlett (Hậu Cuốn theo chiều gió)...

Như Quỳnh