Cảnh báo: Bỏng nặng vì chất tẩy rửa bồn cầu không nhãn mác

(SHTT) - Mới đây, một bệnh nhân đã phải nhập viện trong tình trạng bỏng độ sâu ở vùng cằm, ngực và tay do dùng nước rửa bồn cầu, sơ ý bị bắn vào người.

 Mới đây, Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) cho hay bệnh nhân H nhập viện vào ngày 2/10 trong tình trạng bỏng độ sâu ở vùng cằm, ngực và tay. Đáng nói, bệnh nhân bỏng kiềm (ba-zơ) không được sơ cứu ban đầu nên chất tẩy rửa ăn sâu vào mô, lớp mỡ của da khiến việc điều trị sau này trở nên khó khăn hơn.

Theo đó, bệnh nhân Phạm Văn H (31 tuổi, ngụ TP.HCM) cho biết anh này mua chất tẩy rửa bồn cầu không nhãn mác ở một cửa hàng về sử dụng. Trong lúc, anh H dùng nước cọ rửa bồn cầu thì nước bắn vào cằm khiến anh bỏng nặng phải vào viện để chữa trị.

Cảnh báo: Bỏng nặng vì chất tẩy rửa bồn cầu không nhãn mác 

Bác sĩ Trần Lê Hồng Ngọc, Khoa Bỏng Tạo hình Thẩm mỹ. Bệnh viện Trưng Vương cho biết vùng phỏng không nhiều nhưng do không sơ cứu ban đầu nên tình trạng bệnh nhân nhập viện khá nặng. Các vết bỏng chỉ rải rác nhưng tổn thương sâu, điều trị kéo dài, để lại sẹo.

Theo Dân Trí, TS.BS Phạm Trịnh Quốc Khanh, Trưởng khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mĩ BV Trưng Vương cho biết, đây không phải là trường hợp đầu tiên bị phỏng do các loại hóa chất tẩy rửa gây ra. Thông thường, trong các loại hóa chất tẩy rửa bồn cầu, thông cống có chứa axit hoặc kiềm. Khi dính lên cơ thể người, sẽ phá hủy cấu trúc mô như da, mỡ, gân, cơ... gây hoại tử từ bên ngoài vào trong.

Hiện nay, những loại dung dịch tẩy rửa được sử dụng rất phổ biến trong các gia đình vì sự tiện lợi và công dụng tẩy rửa nhanh, mạnh. Dung dịch này có tính ăn mòn rất cao nhưng nhiều người chưa ý thức được bên đã bị bỏng phải nhập viện.

Bác sĩ khuyến cáo cộng đồng cần đặc biệt cẩn trọng cần măng găng tay, kính, dụng cụ bảo hộ lao động (nếu có) khi sử dụng hóa chất tẩy rửa. Nếu cất giữ hóa chất trong nhà, cần để xa tầm với của trẻ em.

Trường hợp bị hóa chất bắn trúng, để hạn chế tình trạng tổn thương sâu người bị nạn cần rửa vết thương liên tục dưới vòi nước sạch khoảng 20 đến 30 phút trước khi đến bệnh viện.

PV (t/h)