VCCI: Tăng thuế VAT tác động lớn đến người thu nhập thấp

(SHTT) - "Xét về tác động xã hội, việc tăng thuế VAT có thể làm tăng khoảng cách giàu nghèo, gây khó khăn và kéo theo nhiều hệ luỵ xã hội khác", tổ chức đại diện cho doanh nghiệp nhận xét.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có bản góp ý gửi tới bộ Tài chính về Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thuế giá trị gia tăng (VAT), luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, luật Thuế thu nhập cá nhân và luật Thuế tài nguyên.

Theo VCCI, cơ quan soạn thảo Bộ Tài chính đưa ra đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 5% lên 6% và tăng thuế từ 10% lên 12% đối với các loại hàng hoá, dịch vụ tương ứng là sự thay đổi chính sách rất lớn, tuy nhiên lại chưa được đánh giá một cách đầy đủ.

"Tờ trình của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung 5 luật Thuế mới chỉ đề cập đến tác động tăng thu ngân sách chứ chưa đề cập đến các tác động khác về kinh tế, xã hội của việc tăng thuế, do đó chưa đủ cơ sở khoa học để thực thi chính sách", VCCI nêu.

VCCI: Tăng thuế VAT tác động lớn đến người thu nhập thấp 

Theo góp ý của VCCI, về mặt xã hội, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, thuế VAT là loại thuế luỹ thoái đánh vào tiêu dùng.

Mặc dù tăng cùng một mức thuế suất, nhưng người có thu nhập thấp lại chịu tác động lớn hơn do tỷ lệ chi tiêu cho tiêu dùng trên tổng thu nhập của người có thu nhập thấp cao hơn người có thu nhập cao.

"Như vậy, xét về tác động xã hội, việc tăng thuế VAT có thể làm tăng khoảng cách giàu nghèo, gây khó khăn hơn cho các hoạt động xoá đói giảm nghèo và có thể kéo theo nhiều hệ luỵ xã hội khác", VCCI nêu.

Cơ quan này cho rằng, việc tăng thuế còn có nguy cơ ảnh hưởng đến năng lực tạo việc làm của nền kinh tế Việt Nam. Mỗi năm, Việt Nam có trên dưới một triệu người bước vào độ tuổi lao động. Trong 3 thành phần kinh tế, các doanh nghiệp tư nhân trong nước có khả năng tạo việc làm tốt nhất trên mỗi đồng vốn đầu tư.

Theo các chuyên gia, việc tăng thuế và số tiền thu được tăng thêm khoảng 70.000 tỷ đồng được giữ lại trong ngân sách, không làm tăng chi ngân sách thì mức tăng CPI như thế là phù hợp. Tuy nhiên, Nhà nước không thể thu thêm thuế rồi để đó, mà sẽ sử dụng tiền thuế này để chi tiêu công. Việc Nhà nước sử dụng những đồng tiền thuế này chi tiêu như thế nào có thể sẽ kéo theo lạm phát.

Đối với đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt, VCCI cũng kiến nghị chưa nên áp dụng khi chưa có đánh giá cụ thể về việc "đánh thuế ở mức 10% sẽ làm giảm hoặc chậm lại tốc độ tăng béo phì ở Việt Nam bao nhiêu". 

Liên quan tới quyết toán thuế thu nhập cá nhân, VCCI cho biết nếu bỏ quyết toán thuế, hoàn thuế hay nộp thêm thuế thu nhập cá nhân... có thể ảnh hưởng đến tính luỹ tiến của loại thuế này, gây ra tình trạng tránh thuế hợp pháp, làm lợi cho những cá nhân có thu nhập rất cao hoặc vãng lai, mà ảnh hưởng đến người thu nhập thấp. 

PV