Công nghệ mới: Găng tay kỳ lạ hỗ trợ cầm nắm đồ vật

(SHTT) - Mới đây, các nhà khoa học đã chế tạo chiếc găng tay đặc biệt, có thể hỗ trợ kẹp chặt đồ vật. Đây là một phát minh tuyệt vời đối với những người bị thương, hạn chế khả năng vận động hoặc chấn thương ở các ngón tay.

Các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã sử dụng máy dệt kim tự động để tạo ra một chiếc găng tay độc lạ. 

 

Thoạt nhìn vật thể này, bạn sẽ nhầm nó với một nải chuối chín. Nhưng thực chất đây là chiếc găng tay trợ giúp mới, với những ngón tay hình quả chuối. Sau khi được bơm hơi, ngón tay của găng có thể kẹp một số đồ vật như bóng tennis hay lon Coca, giúp hạn chế sự vận động của các cơ.

Trong thông cáo mới đây, MIT giải thích: “Người dùng có thể đeo chiếc găng tay này để bổ sung chuyển động cơ ngón tay, giảm thiểu hoạt động cơ cần thiết để thực hiện nhiệm vụ và các chuyển động. Đối tượng chính chúng tôi hướng đến là những người bị thương, hạn chế khả năng vận động hoặc chấn thương khác ở các ngón tay”.

Thay vì tốn nhiều công sức vào thiết kế thủ công thiết bị khí nén mềm, các nhà nghiên cứu của MIT đã phát triển máy dệt kim PneuAct, có thể tự động đan các thiết bị đó. Quy trình dệt kim bằng PneuAct tương tự với quy trình đan bằng kim nhựa.

“Nhà thiết kế chỉ cần chỉ định đường may mẫu và cảm biến trong phần mềm để lập trình chuyển động của bộ truyền động. Sau đó, bản mô phỏng sẽ được xem xét trước khi in”.

PneuAct dệt những mảnh nhỏ bằng sợi dẫn điện, trước khi được cố định vào ống silicone cao su để hoàn thiện bộ truyền động.

Yiyue Luo, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết sử dụng máy dệt kim kỹ thuật số hiện là một phương pháp sản xuất rất phổ biến trong ngành dệt may. Với bản chất linh hoạt, đồng thời kết hợp với các vật liệu thông minh, các thiết bị truyền động khí nén mềm đã trở thành “xương sống” của nhiều mô hình robot và công nghệ hỗ trợ. Các nhà nghiên cứu hy vọng công cụ mới sẽ hoạt động dễ dàng và phổ biến hơn.

Bộ truyền động có thể ‘cảm nhận” những gì nó chạm vào thông qua sợi dẫn điện. Ví dụ, khi găng tay bám vào một vật thể, cảm biến áp suất cảm nhận được lực đang được tác dụng và điều chỉnh cho phù hợp.

 Trong khi găng tay có bộ truyền động hình ống, nhóm nghiên cứu đã lên kế hoạch thử nghiệm các hình dạng khác nhau.

Andrew Spielberg, tác giả của bài báo chia sẻ: “Công cụ phần mềm của chúng tôi hoạt động nhanh chóng, sử dụng dễ dàng và có thể xem trước chính xác thiết kế của người dùng, cũng như cho phép họ nhanh sản xuất hàng loạt chỉ với một lần chế tạo”.

Anh cũng cho biết quá trình này vẫn cần thử nghiệm thêm. 

Mục tiêu tiếp theo của họ là giải đáp một câu hỏi phức tạp. Liệu máy tính có thể để xuất phương pháp lập trình vật lý hàng dệt may trong các bộ truyền động, để tạo ra hành vi cảm biến phong phú không? 

Thu Nga