Meta: Tham vọng thay thế máy tính xách tay bằng tai nghe VR mới

(SHTT) - Nhà sáng lập Facebook, Mark Zuckerberg tiết lộ tai nghe thực tế ảo (tai nghe VR) cao cấp tiếp theo của công ty Meta sẽ thổi làn gió mới cho vũ trụ ảo metaverse, với hy vọng hàng loạt người tiêu dùng áp dụng công nghệ này. 

 Ngành công nghiệp VR/AR dần phục hồi nhờ cơn sốt metaverse

Meta, chủ sở hữu Facebook và công ty thực tế ảo Oculus, là một công ty truyền thông xã hội và công nghệ Mỹ có trụ sở tại Menlo Park, California. “Cái nôi của Facebook” đã cung cấp nhiều sản phẩm, cũng như các dịch vụ tiện ích và hiện đang bắt đầu chế tạo Cambria - tai nghe VR cao cấp, từng được giới thiệu sơ lược tại hội nghị Connect. Dự án Cambria ứng dụng công nghệ mới chưa có trên các tai nghe VR hiện tại, như theo dõi mắt và nhận dạng khuôn mặt để ghi lại biểu cảm khuôn mặt, cũng như quang học mới.

Zuckerberg và Meta hy vọng rằng khi tích hợp trải nghiệm thực tế hỗn hợp cao cấp mới này vào tai nghe, bạn làm việc, giao tiếp và hợp tác hiệu quả hơn. Ngay cả trong metaverse, bạn cũng không thể nghỉ ngơi nếu Meta đưa ra giải pháp riêng.

Trang TechCrunch đưa tin, Zuckerberg cho biết Dự án Cambria như một chiếc tai nghe, chủ yếu dành cho doanh nghiệp, trong các cuộc gọi báo cáo thu nhập mới đây. Cuối cùng, trải nghiệm này sẽ “thay thế máy tính xách tay hoặc phần mềm thiết lập công việc”.

Công nghệ đằng sau Dự án Cambria từng được giới thiệu trong hội nghị Connect gần đây của Meta. Trong đó, các giám đốc điều hành tuyên bố, giá sẽ cao hơn chiếc tai nghe Quest 2 chính thống 299 đô la.

Không quá bất ngờ khi Zuckerberg tham gia vào metaverse. Anh đã tách công ty mẹ của Facebook thành thực thể công ty mới có tên là Meta, đồng thời chuyển trọng tâm tổng thể từ mạng xã hội - Facebook, cũng như WhatsApp và Instagram - sang metaverse. Giám đốc điều hành tiết lộ rằng doanh thu quảng cáo từ các công ty truyền thông xã hội sẽ được sử dụng để hiện thực hóa giấc mơ về VR và AR (thực tế tăng cường) của Meta trong tương lai.

Những khoản đầu tư này có thể sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của Meta. Trong quý đầu tiên của năm 2022, công ty cho biết khoản lỗ trên tất cả các lĩnh vực kinh doanh là gần 3 tỷ đô la, nhưng Reality Labs, bộ phận AR của Meta, lại báo cáo khoản lỗ hơn 10 tỷ đô la.

Chia sẻ với trang TechCrunch, Zuckerberg cho biết: “Sẽ không có hiệu quả cho đến khi những sản phẩm đó thực sự được tung ra thị trường và đầu tư mở rộng quy mô. Thị trường lớn mạnh sẽ là nguồn đóng góp doanh thu hoặc lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp. Điều này đang đặt nền móng cho năm 2030 đáng mong đợi”.

Thế giới đang chạy đua trong cuộc chiến Metaverse 

Khi ra mắt, kính thực tế ảo của Meta có thể sẽ phải cạnh tranh với kính thực tế ảo HoloLens đến từ Microsoft, tai nghe Vive sản xuất bởi tập đoàn High Tech Computer Corporation (HTC) và nhiều loại kính VR, AR hoặc thực tế hỗn hợp khác dành cho người tiêu dùng. Ngay cả Apple cũng được dự đoán là sẽ tham gia vào ngành công nghiệp này, mặc dù những nỗ lực của họ trong việc thương mại hóa AR dường như đang chậm lại.

Mặc dù tập trung cao độ vào metaverse nhưng đội ngũ điều hành Meta hoạt động liên tục. Tuy nhiên, các chuyên gia trí tuệ nhân tạo đang dần rời bỏ Meta. Để ổn định mọi thứ, Zuckerberg bố trí những nhân tài cốt cán còn lại của Facebook vào vị trí quan trọng. Đồng thời, “cha đẻ của Facebook” đưa các quyết định mua lại và tuyển dụng sáng suốt, trong đó có việc chiêu mộ Don Box, chuyên gia kỹ thuật của Microsoft, hiện làm việc về kỹ thuật phần mềm cho kính tại Meta.

Vấn đề đặt ra là liệu các khoản lỗ lớn có thể bù đắp nhờ đầu tư của Meta vào AR hay không. Hiện tại, Zuckerberg tin tưởng Meta là “công ty hàng đầu về xây dựng tương lai của tương tác xã hội và metaverse”. Anh không dự đoán rằng những khoản đầu tư này sẽ thành công, ít nhất là cho đến năm 2030.

Thu Nga