Người nuôi ong mật chật vật vì khó tiêu thụ

Những người nuôi ong mật và các doanh nghiệp xuất khẩu ở Đắk Lắk thấp thỏm lo âu dù mức áp thuế chống phá giá đối với mật ong xuất khẩu đã giảm mạnh.

Thời điểm này, người nuôi ong Tây Nguyên đang bước vào mùa khai thác mật. Thế nhưng, người nuôi với hơn 300.000 đàn ong mật đang thấp thỏm lo âu.

Vào thời điểm này năm ngoái, giá mật ong dao động từ 30.000 – 40.000 đồng/kg, năm nay giá mật ong giảm mạnh, chưa đến 20.000 đồng/kg. Có hộ thu hoạch xong vẫn không bán được, mật ong tồn cứ chưa biết xử lý ra sao, vốn đổ vào chưa thu lại được. Nhiều người đứng ở thế tiến thoái lưỡng nan vì làm thì lỗ, ôm nợ do giá vật tư tăng, không làm thì không có thu nhập nuôi gia đình.

Mật ong lấy từ hoa cà phê có vị thơm ngon rất đặc trưng, được nuôi tại trang trại gia đình anh Hoàng Trọng Minh. 

Anh Hoàng Trọng Minh (phường Thành Nhất, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) có hơn 5 năm kinh nghiệm nuôi ong mật, hiện đang sở hữu gần 3.000 đàn ong tại rẫy cà phê ở huyện Cư Kuin.

Anh cho biết: “Mọi năm mật ong làm ra đến đâu bán hết đến đó với giá hơn 30.000 - 35.000 đồng/kg. Thu nhập gia đình được cải thiện vì lợi nhuận khá cao, nhưng năm nay những chỗ quen biết vừa lấy số lượng ít, giá lại thấp, chưa đến 20.000 đồng/kg. Tôi cũng nghe nói do mật ong không xuất khẩu được nên người ta chỉ lấy ít để bán lẻ thôi. Tính đi tính lại thì chỉ lời được vài đồng, nếu đầu tư thêm nữa chắc lỗ vì giá vật tư cao quá. Nếu xuất khẩu mật ong hoạt động trở lại bình thường thì còn có hi vọng giá tăng".

Chị Hoàng Xuân Yên (thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk) cho biết mùa nhãn năm nào tại trại ong của chị cũng bận rộn, tất tả người đi lại, đặt chai, lọ để sau khi thu hoạch mật ong xong thì chiết sang để bỏ sỉ. Nhưng năm nay, nhà chị lại im ắng lạ thường.

Chị nói: “Mọi năm giờ này nhà tôi đông vui như Tết, nghe điện thoại với chiết mật ong luôn tay luôn chân. Năm nay thì chỉ biết hi vọng thu lại đủ tiền vốn thôi chứ không hi vọng lãi. Tổ ong năm nay đã bé rồi, thêm khách sỉ mọi năm cũng chẳng thấy hỏi han".

Vì không bán được nên chị Yên không dám bỏ tiền thuê người thu hoạch mà gia đình chị tự làm. Sau khi chiết mật ong xong có ai hỏi thì bán. "Mọi năm bán tới 40.000 đồng/kg, năm nay tôi chỉ dám bán 25.000 đồng/kg thôi, dù tự tin mật hoa nhãn ngon nhưng bán đắt hơn chỗ khác họ cũng chẳng mua, vì mật ong giờ rẻ lắm", chị Yên nói.

 Trang trại ong mang lại thu nhập chính cho hộ gia đình tại tỉnh Đắk Lắk.

Điều khiến những chủ trại mật ong tại Đắk Lắk lo lắng là tình trạng mật ong giá rẻ, khó tiêu thụ chưa biết tiếp diễn đến khi nào. Bởi vậy, dù đã bước vào vụ mật nhãn, mật cà phê nhưng nhiều người nuôi ong không háo hức như thường lệ mà đang cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng để "đánh" mật một cách hợp lý nhất. Người dân vẫn không dám đầu tư quá nhiều vì sợ ôm lỗ nặng.

Theo tìm hiểu, hơn 95% sản lượng mật ong của Việt Nam đang xuất khẩu vào Mỹ.

Tại Đắk Lắk có 2 Doanh nghiệp xuất khẩu mật ong là Công ty Cổ phần Ong mật Đắk Lắk và Công ty Cổ phần Ong mật Ban Mê Thuột, hàng năm xuất khẩu đạt xấp xỉ 20.000 tấn sang Mỹ.

Dù Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành kết luận cuối cùng về mức thuế trong vụ việc điều tra chống bán phá giá (CBPG) mật ong nhập khẩu Việt Nam, thuế CBPG dành cho các doanh nghiệp Việt Nam đã giảm rất mạnh, từ mức 410,93% - 413,99% (cuối năm 2021) trong kết luận sơ bộ xuống còn 58,74% - 61,27% (giảm gần 7 lần), nhưng hiện tại mật ong vẫn trong tình trạng khó tiêu thụ.

Bên cạnh đó, giá vật tư, nguyên liệu nuôi ong lại tăng vọt theo giá xăng dầu.

                                                                                            Bích Loan