Đoàn múa Beryozka đưa văn hóa Nga tới Việt Nam

(SHTT) - Nằm trong khuôn khổ "Những ngày Văn hóa Nga tại Việt Nam 2017", Đoàn Nghệ thuật múa Hàn lâm Quốc gia “Beryozka” hứa hẹn sẽ mang tới Việt Nam những vũ điệu uyển chuyển, nhẹ nhàng, khơi dậy tình hữu nghị giữa các dân tộc.

Được biết, dưới sự chủ trì của Trung tâm Tổ chức Biểu diễn Nghệ thuật (Cục Nghệ thuật biểu diễn) và được phối hợp tổ chức bởi Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam và Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga, chương trình biểu diễn nghệ thuật trong khuôn khổ “Những ngày Văn hóa Nga tại Việt Nam năm 2017” sẽ được diễn ra từ ngày 04 - 07/10/2017.

Cụ thể, Đoàn Nghệ thuật múa hàn lâm quốc gia “Beryozka” sẽ biểu diễn tại 3 địa điểm là Nhà Hát Lớn, Số 1 Tràng Tiền, Hà Nội; Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, số 77 Hào Nam, Hà Nội; Nhà hát thành phố Hồ Chí Minh, số 7 Công trường Lam Sơn, thành phố Hồ Chí Minh.

Được biết, Beryozka là Đoàn nghệ thuật nổi tiếng toàn thế giới, được thành lập năm 1948 bởi nghệ sỹ ballet lỗi lạc thế kỷ 20 – Nadezhda Nadezhdina.

Từ năm 1979, Đoàn hoạt động dưới sự chỉ đạo nghệ thuật của nữ nghệ sỹ múa solo hàng đầu và là trợ lý đầu tiên của Nadezhdina, đó là Mira Koltsova. Năm 2000, Đoàn được mang tên nghệ sỹ nhân dân Liên Xô Nadezhda Nadezhdina.

Đoàn múa Beryozka đưa văn hóa Nga tới Việt Nam

Buổi biểu diễn đầu tiên của Đoàn tại nhà hát nhạc nhẹ mùa hè Moskva “Ermitazh” với tiết mục múa vòng tròn “Beryozka” của tốp nữ đã thành công vang dội. Ít lâu sau, tên gọi của vũ điệu dân gian giành được sự mến mộ của khán giả này đã được lấy làm tên chung cho cả đoàn và trở thành thương hiệu của tập thể nghệ thuật này.

 Nổi tiếng với những bước di chuyển nhẹ nhàng, uyển chuyển đến lạ kỳ như bồng bềnh trôi, điệu “Beryozka” đã trở thành một phát minh thực sự trong việc đưa vũ điệu dân gian Nga lên sân khấu nghệ thuật, khởi đầu cho một phong cách mới trong nghệ thuật múa đương đại. Kỹ thuật của phong cách múa độc đáo này (“kỹ thuật di chuyển”) cho đến nay vẫn còn là một bí ẩn được nâng niu, trân trọng chuyển giao từ thế hệ lớn tuổi cho lớp nghệ sỹ trẻ.

Ban đầu, Đoàn đa số là nữ nhưng đến năm 1959, với việc gia nhập của nhóm vũ công nam và thành lập dàn nhạc cụ dân gian Nga, các tiết mục của Đoàn trở nên phong phú hơn, có thêm những màu sắc mới, xuất hiện các điệu múa nam và múa đôi.

“Beryozka” nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Năm 1959, Hội đồng Hòa bình thế giới trao tặng “Beryozka” Huy chương vàng vì công lao đóng góp cho sự nghiệp củng cố tình hữu nghị giữa các dân tộc. Trong những năm chiến tranh lạnh, báo chí nước ngoài đã mô tả các buổi biểu diễn của “Beryozka” như những sự kiện có sức truyền cảm mạnh mẽ, để cho thấy rằng nghệ thuật của “Beryozka” là thấm đậm tình người, đầy hứng khởi, khơi dậy những tình cảm tốt đẹp và niềm tin vào tình hữu ái giữa con người với nhau. 

 Đến nay, Đoàn “Beryozka” đã đi biểu diễn thành công ở hơn 80 nước trên thế giới như Mỹ, Nhật, Pháp, Hàn Quốc, Colombia, Argentina, Chile, Venezuela, Hy Lạp, Trung Quốc, Ý, CH DCND Triều Tiên, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sỹ, Bỉ, Croatia, Serbia, Ba Lan, Ai Cập, Việt Nam và các nước khác.

PV