Chàng trai Tây Nguyên bỏ túi tiền tỷ mỗi năm nhờ nghề nuôi dúi

Sau 9 năm tìm hiểu cách nuôi dúi thuần, từ số lượng chỉ vài cặp, anh Từ Dương Sơn hiện có trong tay 2 trang trại, mang lại thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm.

Năm 2013, anh Từ Dương Sơn (Thôn Quyết Thắng, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) có dịp ra Hà Nội chơi và được bạn bè mời ăn thịt dúi với giá 1triệu đồng/kg tại nhà hàng.

Nhận thấy thịt dúi thơm ngon lạ miệng, anh Sơn tìm hiểu qua người quen thì biết được ở Thái Nguyên có nhiều trang trại nuôi dúi, bán với giá 280 nghìn đồng/kg. Nhận thấy nuôi dúi đem lại lơi nhuận cao, anh tìm cách liên lạc với chủ trang trại có tiếng ở Thái Nguyên để học hỏi kinh nghiệm nuôi dúi và nhanh chóng mua 20 cặp dúi giống về nuôi thử.

 Anh Từ Dương Sơn giới thiệu và chia sẻ về trang trại dúi của mình

Anh Sơn chia sẻ: “Thời gian đầu, do kinh nghiệm nuôi, kỹ thuật chăm sóc còn yếu khiến dúi hay bị bệnh về đường tiêu hóa, bệnh viêm phổi nên dúi chết khá nhiều. Từ số dúi giống ban đầu tôi chỉ còn vài cặp. Tuy nhiên, được sự tư vấn từ chủ các mô hình đi trước, cũng như tự tìm tòi trên sách báo, tôi dần khắc phục, đàn dúi sinh trưởng và phát triển tốt. Nguồn thức ăn của dúi chủ yếu là tre, mía, bắp, cám… đều là thức ăn có thể tự trồng, dễ kiếm ở vùng Tây Nguyên nên giảm được nhiều chi phí đầu tư”.

Năm 2015, sau khi đúc kết được kinh nghiệm, anh Sơn tiếp tục nhập 150 con giống nhằm tăng số lượng nuôi và nhân giống. Trong vòng 3 năm liền, khi số lượng dúi được 1.000 con, anh Sơn mới bắt đầu bán. Ngoài ra, anh còn thành lập công ty Nông nghiệp Triệu Sơn để bán con giống, ký hợp đồng bao tiêu cho các gia đình có nhu cầu thử sức với mô hình nuôi dúi trên địa bàn Tây Nguyên.

Theo anh Sơn, so với các vật nuôi khác thì dúi rất ít bệnh, dễ chăm sóc, sức đề kháng tốt. Tong khâu chăm sóc dúi, người nuôi nên dọn dẹp thường xuyên, chu kỳ 15  -20 ngày vệ sinh 1 lần để đảm bảo sự khô ráo, thông thoáng, đồng thời cần tránh việc để dúi ăn thức ăn đã hỏng, khi đó dúi mới phát triển khỏe mạnh.

 Trang trại dúi thoáng đãng có lắp hệ thống làm mát và phun nước trên mái tôn

Được biết, dúi phát triển tốt ở nhiệt độ từ 20 - 30 độ, mỗi năm dúi mẹ sinh sản 3 - 4 lứa, mỗi lứa từ 2 - 5 con. Dúi mẹ càng lớn thì đẻ càng nhiều con. Mùa hè nắng nóng, phải có hệ thống phun sương làm mát cho dúi, mùa đông thì đảm bảo chuồng trại kín gió. Khi dúi sinh sản được khoảng 2 tháng, tiến hành tách mẹ và nuôi ở chuồng riêng biệt, số lượng mỗi chuồng khoảng 3 - 5 con.

Hiện nay, dúi giống đạt trọng lượng 6 - 7 lạng có giá 1,2 triệu đồng/cặp, loại bố mẹ nặng hơn 1 kg có giá 2 triệu đồng/cặp, dúi thương phẩm có giá 700.000 đồng/kg. Mỗi năm, anh Sơn xuất bán khoảng 1.000 con giống, 1.000 con thương phẩm, trừ chi phí anh thu về hơn 1 tỷ đồng/năm.

Vì dúi thuộc diện đặc sản, thịt thơm ngon, ăn lạ miệng và thời gian nuôi lâu nên số lượng nuôi không đủ để cung ứng ra thị trường. Anh Sơn bao thu mua lại dúi thương phẩm của bà con trên địa bàn, cung cấp cho nhiều nhà hàng, khách sạn ở TP Buôn Ma Thuột, TP.HCM và một số địa phương khác.

 Dúi mẹ nặng 1,8kg đang trong thời kì sinh đẻ.

Ngoài việc nuôi và phát triển kinh doanh về dúi, anh Sơn đang nuôi thử nghiệm con don rừng, hứa hẹn phát triển mạnh trong thời gian tới. Vì dúi và don rừng đều là động vật hoang dã nên anh đã chủ động đăng kí giấy phép chăn nuôi động vật hoang dã.

Không chỉ phát triển kinh tế cho gia đình, anh Sơn còn nhiệt tình trong việc tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp giống cho những hộ có nhu cầu vừa đảm bảo nhu cầu đầu ra cho thị trường, vừa tăng thu nhập cho các hộ chăn nuôi. Anh mong muốn phát triển thành một hệ thống để giúp các hộ chăn nuôi trên Tây Nguyên có thể tiếp cận và tìm hướng đi mới cho bản thân và gia đình.

Văn Nhật