Đánh thuế tiền gửi tiết kiệm: Không khả thi, khó thực hiên

(SHTT) - Đề xuất đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm được đề xuất mới đây đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối, phần lớn các chuyên gia cho rằng đề xuất này còn nhiều bất cập.

 Lại đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm

Mới đây, đề xuất đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm với những khoản lãi lớn, hàng trăm triệu đồng đã được Luật sư Trương Thanh Đức (Công ty Luật Basico) đưa ra tại Hội thảo lấy ý kiến sửa 5 Luật Thuế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

So với đề xuất đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm đã từng được Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh đưa ra năm 2013), ý kiến của ông Đức muốn tập trung vào những món tiền gửi lớn (có thể là tiền gửi tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi, mua trái phiếu...) vốn mang về khoản thu nhập lãi hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng. Theo ông Trương Thanh Đức, một khi lãi tiết kiệm lên tới tiền tỷ thì nên được nhìn nhận như một khoản đầu tư tương tự đầu tư chứng khoán, bất động sản.

“Bây giờ đang miễn thuế cho tiền gửi tiết kiệm là không hợp lý. Đối với số tiền gửi nhỏ của người thu nhập thấp miễn thì đúng, giống như miễn thuế thu nhập cá nhân cho người dưới 9 triệu không phải đánh thuế. Tôi đề nghị nếu lãi 240 triệu nên quy định người gửi tiền tầm 3 tỷ đồng trở lên phải đánh thuế. Mặt bằng đánh thuế 5% như thu nhập cá nhân là bình thường, tốt cho xã hội, góp phần dịch chuyển đồng tiền vào đầu tư kinh doanh thay vì chỉ gửi ngân hàng”, Luật sư Trương Thanh Đức nêu ý kiến.

Đánh thuế tiền gửi tiết kiệm: Không khả thi, khó thực hiên 

Đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm: Không khả thi

Tuy nhiên, ngay sau khi đề xuất này được đưa ra đã vướng phải không ít ý kiến trái chiều.

Chuyên gia kinh tế, luật sư - tiến sĩ Bùi Quang Tín - CEO Trường Doanh nhân Bizlight - chia sẻ với báo Lao Động cho rằng đề xuất này không khả thi vì không hợp lý. Theo ông Tín, bản chất của thuế là phân bổ lại thu nhập trong xã hội và tạo ra sự công bằng. Tuy nhiên, không phải bất kỳ thu nhập nào của người dân cũng thu thuế được, vì hầu hết tất cả thu nhập của người dân đều bị điều chỉnh bằng nhiều sắc thuế, không hình thức này cũng là hình thức khác.

Ví dụ, nếu làm công ăn lương, thuế thu nhập cá nhân sẽ được tính số dư sau 9 triệu đồng. Cụ thể, nếu thu nhập 10 triệu đồng/tháng, mức thuế cá nhân sẽ phải đóng là số dư 1 triệu đồng, còn mức lương dưới 9 triệu đồng không bị đánh thuế. Như vậy, số tiền tích cóp được sau khi hưởng lương để gửi tiết kiệm, nếu đánh thuế chẳng khác nào là thuế chồng thuế.

Hoặc cho rằng tổng số tiền tích cóp từ 9 triệu đồng không đóng thuế theo quy định của nhà nước, nay bị tính thuế thì chẳng khác nào vi phạm luật thu nhập cá nhân. Trong trường hợp tiền có được từ bán tài sản, thu nhập đó cũng đã được thuế điều chỉnh, hoàn toàn không được miễn thuế.

Hay trường hợp mở doanh nghiệp, tất cả doanh thu của doanh nghiệp đó cũng bị đánh thuế. “Chỉ với vài ví dụ trên cho thấy, nếu đánh thuế tiền gửi, lãi tiết kiệm là thuế chồng thuế và quá tận thu” - LS.TS Bùi Quang Tín nhấn mạnh.

Trong khi đó chia sẻ với VOV, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược đầu tư, Công ty CP Chứng khoán TP HCM, nêu ý kiến phải có cơ sở pháp lý và thực tế cụ thể mới thực hiện được.

“Cần có báo cáo đánh giá chi tiết tiền gửi cá nhân mà không công khai danh tính. Nên xử lý dữ liệu Big data trước, để xem hiện nay có bao nhiêu người gửi, quy mô gửi thế nào sau đó mới đưa ra các mức thuế (nên thấp hơn so với thuế thu nhập cá nhân). Mặc dù thuế là nguồn thu cho ngân sách nhưng cần có đánh giá cụ thể về tác động với nền kinh tế nói chung và phát triển của hệ thống ngân hàng trước khi thực hiện”, ông Khánh nêu rõ.

Trong khi đó nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế nhận định mặc dù chưa biết đề xuất này có được thông qua hay không, và không rõ mức thuế suất khi được áp dụng là bao nhiêu, tuy nhiên chính sách này nếu được thực hiện thì sẽ phần nào đó sẽ ảnh hưởng đến các kênh đầu tư khác.

Điển hình nhất là thị trường chứng khoán, hoặc tỷ giá có thể sẽ biến đổi mạnh do nhu cầu đột biến từ nguồn vốn được rút ra từ các ngân hàng.

Ngọc Hà (t/h)