Cẩn trọng trước thủ đoạn lừa đảo bằng cách giả mạo dịch vụ 'chăm sóc khách hàng'

(SHTT) - Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (ANM&PCTPCNC) Công an TPHCM vừa qua đã phát đi thông tin cảnh báo về việc xuất hiện những đối tượng giả mạo các dịch vụ chăm sóc khách hàng của các nhà mạng lớn để lừa đảo người tiêu dùng.

Gần đây, các đối tượng lừa đảo, tội phạm công nghệ cao sử dụng thủ đoạn giả danh nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng, ngân hàng, ví điện tử, vờ thông báo có sự cố đối với khách hàng rồi hỗ trợ khắc phục. Sau đó, kẻ xấu yêu cầu khách hàng nhắn tin theo cú pháp "**21*#".

Cú pháp "**21*#" thực chất là cú pháp chuyển hướng cuộc gọi (call forward) - dịch vụ của các nhà mạng như Mobifone, Vinaphone, Vietnamobile cho phép thuê bao di động chuyển hướng cuộc gọi đến một số điện thoại nội mạng hoặc ngoại mạng.

Sau đó, các đối tượng sẽ thao tác đăng nhập ứng dụng ví Momo của nạn nhân từ xa. Tổng đài Momo sẽ gọi để cung cấp mã OTP cho chủ ví, nhưng cuộc gọi được chuyển hướng đến số điện thoại của kẻ gian. Qua đó, chúng chiếm đoạt tiền trong ví hoặc tài khoản ngân hàng liên kết với ví của nạn nhân. 

 

Ngoài ra, kẻ xấu cũng có thể sử dụng hình thức khác bằng cách yêu cầu khách hàng nhắn tin theo cú pháp "DS" gửi đến số "901". Đây là cú pháp đổi sim điện thoại qua phôi sim trắng theo phương thức nhắn tin (SMS). Sau đó, kẻ xấu nhắn tin lừa đảo, vờ bảo sẽ giúp người dùng nâng cấp sim điện thoại thành sim 4G, 5G.

Các đối tượng tiếp đó sẽ yêu cầu người dùng nhắn tin theo cú pháp trên. Khi thao tác thành công, người dùng sẽ mất quyền kiểm soát sim, vì lúc này sim của đối tượng lừa đảo trở thành sim "chính chủ”, có thể truy cập vào ứng dụng ví điện tử, ứng dụng thanh toán online của nạn nhân để chiếm đoạt tiền.

Một phương thức lừa đảo mới cũng được Phòng ANM&PCTPCNC Công an TPHCM cảnh báo là thủ đoạn giả mạo cơ quan công an để cấp hoặc xác thực tài khoản định danh điện tử, nhưng thực chất là để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. Chỉ vài ngày sau khi Bộ Công an triển khai trên phạm vi cả nước việc cấp tài khoản định danh điện tử, đã xuất hiện những kiểu lừa đảo với thủ đoạn giả vờ kiểm chứng thông tin.

Đối tượng giả mạo cơ quan công an, gọi điện "giúp" cấp hoặc xác thực tài khoản định danh điện tử của công dân. Cách thức tương tự thủ đoạn giả mạo cuộc gọi lừa đảo, nhưng các đối tượng sẽ đọc chính xác tên, số định danh, ngày tháng năm sinh (dữ liệu này của nạn nhân đã bị lộ, lọt trên mạng do nhiều nguyên nhân), rồi yêu cầu nạn nhân thực hiện thao tác theo yêu cầu của chúng.

Công an TP.HCM khuyến cáo, người dân cần nâng cao cảnh giác, nhằm bảo vệ tài sản của mình. Người dân không cung cấp mật khẩu và mã xác thực (OTP) của ví điện tử hoặc tài khoản ngân hàng cho bất kỳ ai bên ngoài ứng dụng, không thực hiện theo các tin nhắn có nội dung giả mạo. Đặc biệt, cần chú ý không bấm vào đường link lạ được kẻ gian gửi tới qua tin nhắn SMS, email... để nhập mật khẩu và mã xác thực (OTP). Thường xuyên tra cứu, tìm hiểu thông tin để nắm chắc mục đích, ý nghĩa của các cú pháp tin nhắn trước khi thực hiện.

Hiện nay, để thực hiện quy trình cấp số định danh điện tử, người dân cần liên hệ trực tiếp cơ quan công an cấp huyện, tỉnh, thành phố. Người dân tuyệt đối không thực hiện theo yêu cầu từ các cuộc gọi của người lạ (tự xưng là cán bộ của cơ quan nhà nước, lực lượng công an) để yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản số, mã OTP.

Trong diễn biến liên quan, Đại diện Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an, mới đây cũng khẳng định các tin nhắn tới điện thoại cá nhân với nội dung "Lệnh truy nã" là hoạt động lừa đảo.

Chia sẻ về vấn đề này trên báo An Ninh Thủ Đô, Trung tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an khẳng định đây là tin nhắn giả mạo, người dân cần cảnh giác, Cơ quan Công an không gửi quyết định truy nã bằng tin nhắn điện thoại.

 

Theo Đại tá Trần Ngọc Cường, Trưởng phòng Truy nã, Truy tìm, Cục Cảnh sát Hình sự cho biết, Điều 231 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định về truy nã: Khi bị can trốn hoặc không biết rõ đang ở đâu, thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã.

Trong đó, phải có một số các nội dung chính như thời gian, địa điểm ra quyết định truy nã; cơ quan, họ tên, chức vụ người ra quyết định truy nã; căn cứ truy nã; thông tin lý do, nhận dạng, ảnh đối tượng bị truy nã; tội danh bị khởi tố, truy tố; địa chỉ, số điện thoại của cơ quan ra quyết định truy nã.

Thẩm quyền ra quyết định truy nã trong CAND gồm: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, ANĐT Công an các cấp ra quyết định truy nã đối với bị can, bị cáo trong các vụ án đang điều tra hoặc theo yêu cầu của Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân; Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh; Giám thị, Phó Giám thị trại giam; Giám thị trại tạm giam thuộc Bộ Công an.

Quyết định truy nã phải bằng văn bản (giấy in), được gửi đến Công an địa phương nơi đăng ký thường trú, tạm trú, nơi ở và quê quán của người bị truy nã.

Công an cấp tỉnh nơi đối tượng truy nã lẩn trốn hoặc tất cả Công an cấp tỉnh; Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp với cơ quan ra quyết định truy nã.

Ngoài ra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân có yêu cầu ra quyết định truy nã. Cơ quan thi hành án, Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an và cấp tỉnh nơi ra quyết định truy nã; Cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh; cơ quan, tổ chức khác... khi xét thấy cần thiết.

Quyết định truy nã được thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng để mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân biết, phát hiện, bắt người bị truy nã.

Đối với các đơn vị, cán bộ, chiến sỹ Công an được giao nhiệm vụ truy bắt đối tượng truy nã phải lập kế hoạch tổ chức xác minh, thu thập các thông tin, tài liệu về đối tượng để đảm bảo bắt đúng đối tượng bị truy nã, đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản của nhân dân.

Việc đầu tiên khi tiến hành bắt giữ, tiếp nhập đối tượng truy nã là phải xác minh, ghi lời khai đảm bảo đúng người, đúng tội ghi trong Quyết định truy nã.

Cơ quan ra Quyết định truy nã phải so sánh, đối chiếu danh chỉ bản, ảnh đối tượng để xác định đúng là người đang bị truy nã hay không.

Để đảm bảo công khai, minh bạch, Cổng Thông tin Điện tử của Bộ Công an có mục Thông tin đối tượng truy nã, đồng thời cơ quan ra quyết định truy nã cũng công khai thông tin truy nã tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Lãnh đạo Cục Cảnh sát Hình sự cho biết, công tác truy nã tội phạm được quy định trong Bộ luật TTHS, liên quan đến danh dự, nhân phẩm, quyền con người, nên phải rất thận trọng, khách quan, thực hiện đúng quy trình pháp luật quy định.

Do đó, việc người dân nhận được tin nhắn lệnh truy nã qua tin nhắn điện thoại là điều không có thật, cần hết sức cảnh giác, không bị mắc lừa các đối tượng lừa đảo qua mạng.

Hà An