Dừng học trực tiếp nếu lớp học có 2 F0 trở lên

Khi số ca F0 trong trường học tăng cao, UBND TP.HCM ban hành quy trình chống dịch Covid-19 trong trường học, nêu rõ nếu trong cùng 1 ngày lớp phát hiện từ 2 F0 trở lên thì trường quyết định hình thức học tiếp theo.

Ngày 23/2, UBND TP.HCM gửi công văn khẩn đến Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Y tế và các quận huyện về việc kiểm soát dịch Covid-19 trong trường học khi học sinh học trực tiếp.

Cụ thể, TP yêu cầu tất cả các trường học đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của ngành y tế và ngành giáo dục; triển khai thực hiện nghiêm quy trình kiểm soát dịch tại cơ sở giáo dục. Không bắt buộc tất cả học sinh phải xét nghiệm Covid-19 trước khi trở lại trường để học trực tiếp, chỉ xét nghiệm đối với các trường hợp có triệu chứng nghi nhiễm Covid-19 hoặc có tiền sử tiếp xúc với F0.

Đối với việc tổ chức học bán trú, nhà trường phải tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế và giáo dục, trong đó cần lưu ý bảo đảm theo nguyên tắc: hạn chế giao lưu, tiếp xúc giữa các học sinh trong cùng lớp và giữa các lớp; ưu tiên tổ chức ăn, ngủ, nghỉ ngay tại lớp học; học sinh ăn theo suất ăn riêng, không dùng chung các đồ dùng cá nhân; tăng cường vệ sinh, khử khuẩn theo quy định.

Số ca F0 trong trường học tăng cao, TP.HCM ban hành quy trình chống dịch Covid-19 trong trường học. 

Về kịch bản xử trí trường hợp phát hiện F0 trong trường học, UBND TP.HCM quy định rõ, nếu trong cùng một ngày, lớp học phát hiện từ 2 F0 trở lên thì Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của cơ sở giáo dục căn cứ vào kết quả điều tra dịch tễ để quyết định hình thức học tiếp theo của các học sinh còn lại trong lớp.

Nếu trong cùng một ngày, cơ sở giáo dục phát hiện từ 2 lớp có F0 trở lên thì Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp huyện căn cứ vào kết quả điều tra dịch tễ để quyết định hình thức học tiếp theo đối với học sinh của trường.

Về quy trình kiểm soát dịch trong trường học, TP có quy định, khi phát hiện học sinh có triệu chứng lâm sàng nghi nhiễm Covid-19 tại cơ sở giáo dục, có ít nhất 2 trong số các biểu hiện lâm sàng sau đây: sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; giảm hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp; cơ sở giáo dục khẩn trương triển khai các bước: Đánh giá tình trạng sức khỏe của học sinh bằng cách: Yêu cầu học sinh mang ngay khẩu trang y tế và dừng các hoạt động có tiếp xúc với người khác. Giáo viên, người chăm sóc thông báo ngay đến Ban chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 của cơ sở giáo dục. Nhân viên phụ trách y tế trường học đánh giá nhanh tình trạng sức khỏe của học sinh: Nếu học sinh có 1 trong các triệu chứng nặng (sốt cao, tím tái môi, đầu chi; khó thở, thở nhanh; thở rên; SpO2 < 97%; li bì, lờ đờ; co giật ...): Ban Chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 của cơ sở giáo dục thông báo ngay Trung tâm Cấp cứu 115 hoặc bệnh viện quận, huyện hoặc bệnh viện chuyên khoa nhi (nếu có) trên địa bàn để được hỗ trợ; thông báo cho phụ huynh/người giám hộ của trẻ.

Nếu học sinh có triệu chứng nhẹ (sốt, ho, đau họng, chảy nước mũi...): Chuyển học sinh đến phòng cách ly tạm thời và thực hiện ngay xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 (không di chuyển bằng thang máy hoặc nếu sử dụng thang máy phải khử khuẩn theo quy định):

Trường hợp kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính: nếu học sinh sốt hoặc có triệu chứng bất thường cần báo cho phụ huynh/người giám hộ đưa trẻ đi khám bệnh ngay; nếu trẻ không sốt, theo dõi sức khỏe và tiếp tục học tập trực tiếp tại trường.

Trường hợp kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính (F0): nhân viên phụ trách y tế trường học thông báo cho Ban Chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 của cơ sở giáo dục biết và thực hiện theo hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong trường học.

Thanh Thảo