Du xuân hồ Hòa Bình, trải nghiệm nét văn hóa xứ Mường

(SHTT) - Ngày Xuân se lạnh, bỏ lại Hà Nội phồn hoa để lên với hồ Hòa Bình du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên non nước của những buổi sớm mai mờ sương hay những buổi chiều hoàng hôn cùng làn khói lam chiều bảng lảng cùng những nét văn hóa linh thiêng tại các bản làng xứ Mường.

 Địa điểm lễ hội tâm linh

Chúa Thác Bờ nổi tiếng là bà chúa linh thiêng nhất Hòa Bình. Đền thờ chúa được xây dựng trên địa phận 2 huyện là huyện Đà Bắc và Cao Phong, Hòa Bình.

Đền thờ Chúa Thác Bờ 

Trong tài liệu nghiên cứu của Sở Văn Hóa Hòa Bình, Sự tích Chúa Thác Bờ ghi lại: Vào năm 1430 – 1432, Vua Lê Lợi đem quân dẹp loạn tại đèo Cát Hãn ở Mường Lễ, Sơn La. Khi Vua Lê Lợi kéo quân đến Thác Bờ thì thấy giữa dòng nước xoáy phía trước một thác nước hiểm trở xô bọt trắng xóa, với muôn vàn mỏm đá lởm chởm nên không thể tiến quân lên được. Lúc này bà Đinh Thị Vân đã hô hào, vận động trai tráng và nhân dân trong bản lên rừng chặt cây, xẻ gỗ đóng thuyền chở binh sỹ qua Thác Bờ, quyên góp lương thảo cho Vua Lê Lợi nuôi quân.

Bến tàu để lên Đền Cô 

Do những công đức lớn lao, sau khi bà mất, vua Lê Lợi đã truyền cho dân bản lập đền thờ bà tại Thác Bờ. Từ đó nhân dân trong vùng thường xuyên hương khói thờ phụng.

 

Hàng năm, lễ hội Đền Bờ được mở từ ngày mùng 2 Tết và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Nhờ vào vẻ đẹp núi sông hùng vĩ cùng với sự linh thiêng của đền Chúa Thác Bờ, vào dịp đầu xuân, mỗi ngày nơi đây đón hàng nghìn du khách thập phương tới du xuân, trẩy hội, thành tâm thắp nén hương thơm cầu mong năm mới sức khỏe, bình an, hạnh phúc đến mỗi gia đình và tìm sự bình yên, thư thái trong tâm hồn.

 

Với lượng du khách khá lớn những ngày đầu xuân mới 2022, UBND thành phố Hòa Bình đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tuyên truyền mọi người dân chấp hành các quy định phòng chống dịch Covid-19 như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, hạn chế tập trung đông người và chấp hành các quy định phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn chung cho lễ hội Xuân đang diễn ra.

Một góc nhìn từ Đền Chúa  

Trải nghiệm du ngoạn lòng hồ

Không chỉ vào mùa lễ hội, mà trong những ngày nghỉ lễ, nếu muốn tìm một điểm du lịch thú vị và mới lạ gần Thủ đô Hà Nội, du khách có thể đến với tỉnh Hòa Bình để có một chuyến du lịch khám phá, trải nghiệm và nghỉ dưỡng đầy thú vị.

 Du ngoạn lòng hồ Hòa Bình
  Du ngoạn lòng hồ Hòa Bình

Để trải nghiệm du lịch vùng hồ thủy điện Hòa Bình bằng tàu du lịch, khách du lịch có thể xuất phát từ bến tàu du lịch Thung Nai (huyện Cao Phong) hoặc từ bến cảng Bích Hạ cách thành phố Hòa Bình hơn 4km. Dọc đường đi của tàu, du khách sẽ được khám phá vẻ nên thơ và hùng vĩ của cảnh quan sông Đà, ghé thăm các bản làng dọc hai bên bờ sông như bản Ngòi, xã Suối Hoa (Tân Lạc), xóm Đức Phong và xóm Mó Hẻm, xóm Đoàn Kết (xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc)... Đây là lộ trình đang được khá nhiều du khách trong nước, quốc tế lựa chọn khi đến du lịch tại hồ Hòa Bình.

Khu du lịch hồ Hòa Bình nằm trong khu vực hồ thủy điện Hòa Bình - hồ chứa nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, với diện tích mặt nước 8.000ha, dung tích chứa gần 9,5 tỷ m3 nước. Hồ Hòa Bình có 47 đảo lớn, nhỏ nằm rải rác tạo nên cảnh quan hùng vĩ, tráng lệ.

 

Tháng 8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình định hướng đến năm 2035, tạo cơ hội lớn cho tỉnh. Tuy vậy, đây cũng là thách thức cho ngành du lịch tỉnh Hòa Bình khi phải tìm cách thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước, vừa phải giữ gìn, quảng bá và khai thác được vẻ đẹp của thiên nhiên, văn hóa của người dân bản địa.

 

Một trong những định hướng phát triển ngành du lịch của tỉnh là trải nghiệm lòng hồ Hòa Bình - sản phẩm hấp dẫn cho phép du khách khám phá đầy đủ, trọn vẹn về thiên nhiên, văn hóa cũng như mảnh đất, con người vùng hồ Hòa Bình.

Người dân sống tại bản Ngòi, xóm Ké, xóm Đức Phong, Đá Bia, Tiền Phong... luôn ý thức được việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường trong từng nếp nhà sàn với những giá trị văn hóa cổ xưa như những làn điệu dân ca Mường, màn diễn xướng Mo Mường hay màn trình diễn chiêng Mường đặc sắc.

Sự mến khách, sống chan hòa với thiên nhiên của người dân nơi đây sẽ tạo thiện cảm với du khách khi muốn tìm hiểu đời sống văn hóa của người Mường.

 

Ngoài ra, du khách còn được tham gia các hoạt động trải nghiệm thú vị và phù hợp với mọi lứa tuổi tại Đá Bia như chèo thuyền kayak, bơi lội, đi thuyền ngắm cảnh, câu cá, kéo tôm, đạp xe, đi bộ ở những cung đường ngắm ruộng bậc thang hay cảnh quan thiên nhiên núi sông thơ mộng, thu hoạch nông sản, học nấu các món ăn truyền thống, gói bánh ốc, nhảy sạp, thưởng thức rượu cần của người Mường khi màn đêm buông xuống.

Du khách có thể tham quan các hang động đá vôi còn nguyên sơ trong khu du lịch hồ Hòa Bình như động Thác Bờ, động Hoa Tiên (xã Suối Hoa, Tân Lạc) - những danh thắng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp quốc gia.

 
 Quang cảnh phía trong động Thác Bờ

Đây là những hang động thạch nhũ đẹp với hình thù, màu sắc đa dạng nằm trong hệ thống cảnh quan thiên nhiên giao hòa giữa mặt nước hồ sông Đà trong xanh với cảnh núi non trùng điệp hùng vĩ. 

 

Ngắm bản làng trong những buổi sớm mai hay những buổi chiều hoàng hôn cùng làn khói lam chiều bảng lảng thực sự sẽ mang đến cho du khách những cảm nhận thật ấn tượng và yên bình về một vùng đất chứa đựng nhiều điều hấp dẫn của văn hóa Mường Hòa Bình.

Bắc Hiệp - Quang Huyên