Vertu vỡ nợ, điện thoại siêu sang được thanh lý với giá "bèo"

(SHTT) - Một chiếc Vertu Signature S mạ vàng 18K với mặt lưng bằng da cá sấu vốn có giá 19.000 USD hiện được đấu giá mức 1.500 USD.

 Điện thoại giá gần 20.000 USD của Vertu hiện được bán đấu giá ở mức 1.500 USD. Ảnh: TNW.

Trước đó, ông chủ Murat Hakan Uzan đã không thành công trong việc cứu Vertu khỏi phá sản khi đề nghị trả các chủ nợ 1,9 triệu bảng trên tổng số nợ 128 triệu Bảng. Theo The Financial Times và The Telegraph, các nhà máy của Vertu tại Anh sẽ phải dừng hoạt động.

Cách đây vài ngày, Veru  đã tuyên bố sẽ tiến hành thanh lý tài sản do những khó khăn tài chính chồng chất. Động thái mới nhất cho thấy, họ đã bắt đầu bán đấu giá những tài sản đang có bên trong nhà máy sản xuất đặt tại Anh.

Vertu được đánh giá là chiếc điện thoại siêu sang, nếu như muốn sở hữu nó người dùng thường phải bỏ hàng nghìn USD để mua. Ví dụ như , chiếc Vertu Signiature Touch có giá 10.000 USD hay một phiên bản “giá rẻ” như Vertu Aster cũng lên tới 6.000 USD. 

Tuy nhiên, khi công ty này thanh lý hàng loạt tài sản, người dùng có cơ hội mua những chiếc Vertu với giá cực "sốc". Chẳng hạn, một chiếc Vertu Signature S mạ vàng 18K với mặt lưng bằng da cá sấu vốn có giá 19.000 USD hiện được đấu giá mức 1.500 USD.

Không những thế, công ty còn muốn thanh lý “bảo tàng điện thoại” của mình, gồm 105 mẫu Vertu ra đời từ khi khai sinh hãng. Nhiều trong số đó là những mẫu mang tính biểu tượng và tất nhiên là rất đắt đỏ. Thế nhưng, giá khởi điểm cho bộ sưu tập này chỉ là 26.000 USD.

Không chỉ riêng điện thoại, những người tham gia đấu giá cũng tìm thấy nhiều tài sản khác của Vertu bị đem bán đấu giá, từ bức tượng bằng đồng bên trong trụ sở công ty cho đến các loại bàn làm việc và hệ thống lập trình. Trong đó, bức tượng người lính cưỡi ngựa cầm vũ khí bằng đồng – biểu tượng của Vertu  được đấu giá – với giá chỉ từ 1.000 USD.

Vertu thành lập năm 1998 dưới quyền của Nokia, sau đó bị bán nhiều lần. Năm 2012 bị bán cho một quỹ tư nhân với giá 250 triệu USD, sau đó về tay Godin Holdings có trụ sở tại Hong Kong và tháng 3/2017 bán cho một công ty ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tháng 7, Vertu đã tuyên bố ngừng sản xuất vì vỡ nợ.

Ngọc Hà (t/h)