Thị trường nữ trang ế ẩm, lượng khách sụt giảm chưa từng có

(SHTT) - Thị trường nữ trang năm nay vẫn hết sức ảm đạm dù đã vào mùa tiêu thụ lớn nhất trong năm - mùa Tết.

Ông C, chủ tiệm vàng lâu năm tại Q.8 (TP.HCM), cho hay mọi năm tiệm đặt mua khoảng 650 cuốn lịch để tặng khách hàng đến giao dịch vàng. Năm nay tiệm chỉ đặt 500 cuốn nhưng đến giờ vẫn còn chưa tặng hết lịch cho khách. "Lượng khách sụt giảm mạnh, khách mua ít, chủ yếu là bán ra, nhiều khách cũ lớn tuổi không thấy quay lại", ông C nói. Nhiều cửa hàng khác “vắng quá nên đóng cửa sớm” khi chúng tôi gọi hỏi theo số điện thoại để lại giao dịch.

Vàng nhẫn 5 phân là sản phẩm bán rất chạy mà các năm trước, tiệm vàng của ông C thường bắt đầu sản xuất từ giữa năm để phục vụ nhu cầu dịp cuối năm khi công nhân, những người thu nhập thấp lãnh lương thưởng mua tích trữ.

Tuy nhiên trong năm nay, đến thời điểm này, ông mới lục đục làm nhưng cũng không kỳ vọng nhiều. "Người tiêu dùng thường có thói quen mua vàng nữ trang đeo đầu năm mới với mong muốn đón một năm sung túc hơn. Thế nhưng năm nay họ khó khăn hơn, thu nhập giảm nên vài người đã hỏi mua vàng nhẫn 2 phân - 3 phân", ông C cho biết.

Cùng cảnh ngộ, các đơn vị sản xuất cũng gặp cảnh khó khăn không kém. Giám đốc một công ty vàng bạc đá quý có trụ sở tại TP.HCM cho hay, công ty từng là đơn vị bỏ sỉ vàng nữ trang cho các tiệm vàng khác nhưng trước tình hình thị trường không mấy sáng sủa trong năm 2021, công ty phải chuyển qua nhập kim cương, đá quý về bán.

Theo Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn TP.HCM, thừa nhận: “Chưa bao giờ tưởng tượng ngành nữ trang lại bi đát như năm nay”. Mọi năm giờ này hoạt động bán buôn, bán lẻ trên thị trường khá sôi động để chuẩn bị cho dịp tết và ngày Thần tài đầu năm. Năm nay hoàn toàn trái ngược. Các hoạt động sản xuất đều im lìm khiến thợ làm nữ trang phải kiếm công việc khác có tiền ngay để sinh sống. Ông Dưng có 5 tiệm thì đã đóng cửa hết 3 tiệm. Những tiệm vàng còn lại duy trì chủ yếu để giữ thương hiệu chứ không buôn bán gì được, trong khi chi phí quản lý thì lại tăng cao.

"Một tiệm nhỏ có vài nhân viên thì chi phí cũng tầm 100 triệu đồng/tháng (lương từ 8 - 9 triệu đồng/tháng, tiền điện nước, thuê nhà…). Các ngành nghề khác không hoạt động được thì người tiêu dùng lấy đâu ra tiền để sắm vàng”, ông Dưng buồn bã chia sẻ.

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho biết mấy tháng cuối năm những doanh nghiệp lớn có tiềm lực, đẩy các chương trình để kích cầu nên kinh doanh còn tạm ổn. Còn những doanh nghiệp nhỏ thì kinh doanh khó khăn hơn do sức mua yếu, thu nhập giảm. Ông Khánh nhận định sức mua trong quý 4/2021 và quý 1/2022 chắc chắn sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), nhu cầu tiêu dùng vàng nữ trang và vàng miếng tại Việt Nam trong quý 3/2021 chỉ đạt 3 tấn, giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái Đây cũng là xu hướng chung của thị trường toàn cầu giảm 7% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 13% so với quý trước xuống còn 831 tấn, chủ yếu là do lượng bán ra của các quỹ hoán đổi danh mục vàng (các ETF vàng).

Sức mua thị trường trong nước thời gian tới phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch COVID-19 và sự phục hồi nền kinh tế. Thực tế, mãi lực mua nữ trang vàng của các tiệm quanh khu vực chợ Bến Thành (Q.1) ngoài khách trong nước còn có khách du lịch. Lượng khách du lịch tăng lên thì hoạt động giao dịch tại khu vực này mới có thể sôi động trở lại. Thêm vào đó, thu nhập lương thưởng cuối năm nay của người dân như thế nào sẽ quyết định tình hình thị trường.

Quỳnh Chi