Nguy hiểm ẩn sau trào lưu bọc răng sứ

(SHTT) - Để có được hàm răng trắng đều, nhiều người đã tìm đến phương pháp bọc răng sứ. Tuy nhiên ít người biết rằng việc mài răng trước khi bọc sứ sẽ gây nhiều tổn thương và nguy hiểm chết người.

Phương pháp bọc răng sứ là một phương pháp phục hình thẩm mỹ và được rất nhiều khách hàng tin tưởng chọn lựa với hy vọng sở hữu hàm răng trắng sáng, đều đẹp tăm tắp. Tuy nhiên bên cạnh những lời quảng cáo trên mây, hấp dẫn của các dịch vụ này, mối nguy hiểm cho sức khỏe của nó là gì thì không phải ai cũng được cảnh báo và lường trước. 

Được biết để giúp việc phục hình răng sứ thuận lợi, đảm bảo vững chắc khi ăn nhai thì cần phải có công đoạn mài răng để giảm kích thước răng thật. Trước khi mài răng, bệnh nhân sẽ được các bác sỹ tiêm thuốc tê để làm tê cục bộ tại vị trí răng cần mài. Sau khi mài răng, mão răng sứ sẽ được chụp lên trên để bảo vệ ngà răng bên trong.

 Nguy hiểm ẩn sau trào lưu bọc răng sứ

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, cấu tạo của răng bao gồm 3 lớp: lớp ngoài cùng là men răng, ngà răng và phần trong cùng là tủy răng. Vì vậy khi bọc răng sứ,  các bác sĩ sẽ thực hiện mài cùi răng, thường là lớp men răng và một phần của ngà răng, điều này khá nguy hiểm.

Kỹ thuật mài răng không hề đơn giản, khi tiến hành mài răng sẽ gây đau nhức, ê buốt do việc tác động trực tiếp lên răng, loại bỏ bớt lớp men răng bên ngoài. Nếu mài răng không đúng kỹ thuật mà xâm lấn tới cấu trúc răng thật thì sẽ ảnh hưởng lớn tới khớp thái dương, về lâu dài sẽ gây ra tình trạng ê buốt, đau đầu, và những hệ lụy nguy hiểm khác.

Không chỉ vậy, trong quá trình ăn uống hàng ngày, các loại axit trong thực phẩm sẽ tấn công răng qua những vết mài này, rất dễ dàng khiến răng yếu và xỉn màu dần đi.

 Qúa trình bọc răng sứ

Trong nhiều trường việc, việc mài răng phạm vào sừng tủy, dẫn tới sát tủy, vi khuẩn xâm nhập vào tủy gây viêm tủy, khiến người làm răng sứ thường xuyên có cảm giác đau nhức, ê buốt. 

Những người bọc răng sứ cũng thường gặp vấn đề về việc nhai, nhai rất khó hoặc không thể nhai, nhất là với các loại đồ ăn cứng, quá lạnh hay quá cay, quá nóng.

 

Trong khi đó, nhìn nhận ở góc độ khoa học thì nhai là một động tác bắt buộc cùng với nước bọt để nghiền nhỏ, nhào trộn thức ăn, giúp thức ăn dễ tiêu hóa và không rơi vào đường thở gây sặc. Quá trình nhai tiết ra chất men Amylase giúp phân giải một phần tinh bột ngay từ miệng. Nếu nhai chậm thì chính trong quá trình nhai, cơ thể đã hấp thụ ngay một số chất dinh dưỡng. Nhưng nếu ăn quá nhanh, nhai không kỹ, ngoài việc không hấp thụ được dinh dưỡng trong thực phẩm, ăn không ngon miệng còn gây ra nhiều hệ lụy sức khỏe, dễ thấy nhất là đau, viêm dạ dày. Lý do là khi nuốt nhanh, động tác nhai ít, dịch dạ dày cũng tiết ra ít, không đủ để tiêu hóa thức ăn nên thức ăn bị ứ đọng trong dạ dày, gây khó chịu. Các chuyên gia thường khuyến cáo, về lâu dài, nhai không kỹ sẽ gây ra hội chứng trào ngược dạ dày, bệnh viêm loét dạ dày, viêm đại tràng do cơ quan tiêu hóa phải làm việc “quá tải” trong tình trạng thiếu thốn dịch vị.

Hương Mi