Hưng Yên còn hàng trăm điểm vi phạm hành lang đê điều

Hiện nay, trên 2 tuyến đê sông Hồng và sông Luộc qua địa bàn Hưng Yên vẫn còn hàng trăm địa điểm vi phạm hành lang bảo vệ đê, gây khó khăn cho công tác phòng chống lụt bão khi mùa mưa lũ đến.

 Hưng Yên còn hàng trăm điểm vi phạm hành lang đê điều

Theo thống kê của Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Hưng Yên, toàn tỉnh hiện vẫn còn 315 vụ vi phạm, chủ yếu là xây nhà, xây công trình phụ, xây dựng chuồng trại chăn nuôi, xây tường rào, làm lều lán, quán bán hàng ngay sát chân đê; bến bãi tập kết vật liệu xây dựng trên mái đê và chân cơ đê cùng một số vi phạm khác; tập trung nhiều ở các huyện Khoái Châu, Văn Giang, Kim Động và Tiên Lữ. 

Tại các huyện Khoái Châu và Tiên Lữ, có nhiều vi phạm tồn tại gần 10 năm chưa được giải tỏa do người dân xây dựng chuồng trại tại khu vực chân đê. Đáng chú ý, một số trường hợp vi phạm nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến an toàn đê điều, điển hình là Công ty Cổ phần Nam Tiến Công tại huyện Tiên Lữ và Công ty TNHH thương mại Phúc Lộc Thịnh tại huyện Kim Động xây dựng bến bãi tập kết vật liệu xây dựng. 

Mặc dù, năm nào tỉnh Hưng Yên cũng kiểm tra, rà soát, nhưng việc ngăn chặn, xử lý các vi phạm còn chậm, thiếu kiên quyết, dứt điểm. Trong số hơn 360 điểm vi phạm tồn tại từ năm 2016, đến nay mới có 47 trường hợp bị xử phạt hành chính, 11 trường hợp bị giải tỏa. Tuy nhiên sau khi bị xử phạt hành chính, các vi phạm vẫn không giảm mà còn tăng thêm do chế tài phạt không đủ sức răn đe. 

Theo ông Nguyễn Xuân Hữu, Chi cục phó chi cục Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Hưng Yên, nguyên nhân của tình trạng trên là do người dân sinh sống ở ven đê từ lâu đời, nên việc di dời rất phức tạp. Mặt khác, sự buông lỏng quản lý của chính quyền cấp xã, phường trong thực thi chức trách, nhiệm vụ quản lý và bảo vệ đê điều, dẫn đến việc gia tăng vi phạm mới và tái vi phạm nhiều lần. 

Ông Nguyễn Văn Doanh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên cho biết, theo chỉ đạo của tỉnh, các ngành chức năng và các địa phương đang tập trung kiểm tra rà soát, giao trách nhiệm cụ thể cho chính quyền cơ sở.

Bên cạnh đó, quyết liệt triển khai giải tỏa vi phạm hành lang bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi và đất nông nghiệp; trong đó, chấm dứt hoạt động của các bến bãi gây cản trở khả năng thoát lũ của lưu vực, ngăn chặn triệt để việc hút cát trái phép trên sông Hồng và sông Luộc, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê khi mùa mưa bão đến.

Theo TTXVN