Trước trào lưu “anti vắc xin”, Cục Y tế dự phòng nói gì?

Trào lưu "anti vắc xin" (không tiêm vắc xin hoặc để con được ốm) đang thịnh hành trên mạng xã hội, thu hút hàng nghìn bà mẹ theo dõi, bài trừ vắc xin mà không lường được hậu quả nặng nề. Bộ Y tế đã lên tiếng trước trào lưu đáng sợ này.

Trước những thông tin thất thiệt lan truyền trên mạng xã hội, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã khẳng định, y tế thế giới coi vắc xin là một trong những thành tựu quan trọng nhất của thế kỷ 20.

Theo Cục Y tế dự phòng, tại Việt Nam, thành công của công tác tiêm chủng mở rộng đã đem lại hiệu quả rõ rệt, làm thay đổi về cơ bản cơ cấu bệnh tật ở trẻ em. Cụ thể, Việt Nam đã thanh toán bại liệt vào năm 2000, đạt mục tiêu loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005.

 Bộ Y tế khẳng định không tiêm chủng dịch bệnh sẽ bùng phát (Nguồn ảnh: womenshospital.vn)

Ngoài ra, tỷ lệ mắc hầu hết các bệnh có vắc xin phòng trong chương trình tiêm chủng mở rộng đều giảm qua các năm. So sánh năm 1985 (năm bắt đầu triển khai tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc) với năm 2010, tỷ lệ này giảm từ hàng chục đến hàng trăm lần.

Cục Y tế dự phòng nêu rõ, phải thấy rằng nguy cơ của các dịch bệnh trên vẫn tiềm ẩn, cụ thể, nguy cơ vi rút bại liệt xâm nhập từ các nước lưu hành bại liệt vào Việt Nam là rất lớn; uốn ván vẫn là bệnh có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt uốn ván sơ sinh có tỷ lệ chết/mắc cao nhất (53-82%). Do vậy, việc tiêm chủng để phòng bệnh hết sức quan trọng, tránh xảy ra nguy cơ dịch bệnh bùng phát.

Nếu như không duy trì tỷ lệ tiêm chủng thì dịch bệnh sẽ bùng phát và tất cả cộng đồng phải gánh chịu hậu quả. Chính vì vậy, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm đã quy định, tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch là bắt buộc. Đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch là bảo vệ cho từng cá thể và cho cộng đồng.

Theo Lao Động