Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn sẽ đổi mới cơ chế hoạt động

(SHTT) – Hội đồng Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh vừa thông qua đề án đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ đại học của Trường ĐH KHXH&NV.

Thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học số 34/2018/QH14 ngày 19/11/2018, Hội đồng Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt đề án đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ đại học gồm 4 trường đại học thành viên: trường Đại học Bách khoa, trường Đại học Quốc tế, trường Đại học Kinh tế - Luật, trường Đại học Công nghệ thông tin trong năm 2021.

  25 thành viên Hội đồng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM nhiệm kỳ 2020-2025 

Trong xu thế chung đó, nhằm góp phần tương tác, hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của toàn hệ thống Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, nghiên cứu cho người học và xã hội, là một thành viên của Đại học Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH KHXH&NV hướng đến mục tiêu trở thành trường đại học hoạt động theo hướng tự chủ.

Bên cạnh đó, Trường ĐH KHXH&NV cũng xác định việc đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ là một nhiệm vụ cấp thiết, góp phần tạo nên sự đột phá để thúc đẩy sự phát triển trong giai đoạn mới.

Căn cứ vào khoản 17, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học năm 2018, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã đáp ứng được các điều kiện tự chủ theo quy định của pháp luật.

 

Chính vì vậy, Trường ĐH KHXH&NV thực hiện cơ chế tự chủ gắn liền với trách nhiệm giải trình đối với người học, xã hội, và các cấp quản lý. Bên cạnh đó, đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục cho đa dạng cho các đối tượng người học, trong đó chú trọng đến người học có năng lực nhưng gặp khó khăn về điều kiện kinh tế. Trường cũng đảm bảo hài hoà giữa việc đào tạo các ngành học có nhu cầu xã hội cao với các ngành học đặc thù được đào tạo theo nhiệm vụ chính trị, phục vụ chiến lược phát triển bền vững của đất nước và là các ngành khó tuyển.

Các nội dung tự chủ gồm: Tự chủ về bộ máy và nhân sự; Cơ sở vật chất và tài chính. Ngoài ra, trường cũng tự chủ về mức học phí. Trong 2022-2023, với nhóm ngành Khoa học Xã hội, trường sẽ thu 16-20 triệu đồng/sinh viên/năm học; nhóm ngành Ngôn ngữ và Du lịch thu 21-24 triệu đồng/năm.

Với việc đổi mới cơ chế hoạt động, trong tương lai Trường chắc chắn sẽ có những phát triển đột phá.

 Đức Quý