Tranh giả xuất hiện tràn lan trên các sàn đấu giá ngoại

(SHTT) - Thời gian vừa qua, trên các sàn đấu giá ngoại liên tục xuất hiện những bức tranh giả khiến giới họa sĩ Việt vô cùng bức xúc. Điều đáng nói là việc này chưa có dấu hiệu dừng lại.

 Những ngày qua, giới mỹ thuật rất bức xúc trước thông tin bức tranh giả Nhà tranh gốc mít của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ chuẩn bị được nhà đấu giá Sotheby’s đưa lên sàn. Tuy nhiên mới đây, Sotheby's đã gỡ bức tranh giả trên khỏi phiên đấu giá.

Chuẩn bị cho phiên đấu giá Ngày giảm giá nghệ thuật hiện đại vào ngày 10/10, Sotheby’s đăng trên website bức bình phong sơn mài gỗ L'image traditionnelle d'une maison de paysan (Hình ảnh một nhà tranh truyền thống) đề tên họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ. Mức giá dự kiến 700.000-1.000.000 HKD (2-2,9 tỷ đồng). Ở phần ghi chú, họ viết: "Tác phẩm này tương đương bức Nhà tranh gốc mít (1958) của Nguyễn Văn Tỵ tại Bảo tàng Mỹ thuật ở Hà Nội".

 

Ngay lập tức, con gái họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ là họa sĩ Nguyễn Bình Minh, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã lên tiếng khẳng định đây là “tranh rởm” khi được hỏi về việc này.

Trước những phản hồi này, mới đây, nhà đấu giá Sotheby's đã chính thức gỡ bức tranh trên khỏi hệ thống của phiên đấu giá. Đây là tín hiệu vui đối với mỹ thuật Việt khi một tác phẩm nhái đã bị loại bỏ.

Vụ việc này đã khiến các họa sĩ Việt Nam bất bình và ngán ngẩm bởi đây không phải lần đầu tiên và không phải là trường hợp hiếm, mà đã thành "đại nạn tranh Đông Dương giả tràn ngập trong các sàn đấu giá".

Cùng với bình phong Nhà tranh gốc mít mà Sotheby’s sắp đấu giá thì các họa sĩ, giám tuyển Việt Nam còn đưa ra nhiều nghi vấn đấu giá tranh giả của Bùi Xuân Phái, Lê Phổ trong các phiên ngày 16/10 của nhà đấu giá Lynda Trouve (Pháp).

 Bức tranh được cho là của Mai Trung Thứ, sắp được nhà đấu giá Tajan ở Paris đấu giá ngày 13-10 cũng đang bị một số người phản ảnh là tranh giả

Đặc biệt là bức tranh “Lồng chim” của danh họa Mai Trung Thứ sắp đấu bên nhà đấu giá Tajan (Pháp) vào ngày 13/10 tới đây. Đây là tác phẩm hội họa nổi tiếng của Mai Trung Thứ, nhưng qua tác phẩm nhái thì nét vẽ trở nên cẩu thả.

Họa sĩ Mai Trung Thứ rất để ý đến các tiểu tiết nhỏ, trong lồng chim có chén nước nhưng bức của nhà Tajan không có. Tuy nhiên, chén nước chưa phải chi tiết quan trọng, mà là con chim. Mai Trung Thứ vẽ con chim nhỏ nhưng rất có hồn, còn con chim trong tranh của nhà Tajan thì đầy ngớ ngẩn.

Thân hình cô gái lại là điểm so sánh dễ thấy, Mai Trung Thứ vẽ cô gái gợi cảm, đường nét sống động, tạo hình thân dưới cân đối, phần ngực vẽ cả nhũ hoa, chén cầm trên tay có hạt bên trong. Bức của nhà Tajan vẽ cô gái người thẳng đuột, vẹo mông, teo chân. Về mặt tạo hình rất thiếu tinh tế, tóc và bàn tay cô gái được đánh giá không có tính thẩm mỹ.

Trước những ồn ào này, họa sĩ Lê Kinh Tài gần đây thể hiện quan điểm mạnh mẽ về vấn nạn tranh Đông Dương giả được bán tràn ngập trong các phiên đấu giá bằng bức tranh châm biếm có tên Bìa tạp chí Tranh Đông Dương pha-ke.

Họa sĩ hài hước giải thích tạp chí Tranh Đông Dương pha-ke "bất đắc dĩ phải ra đời, vì đại nạn tranh Đông Dương giả tràn ngập trong các sàn đấu giá nhiều quá trời quá đất rồi".

 Bức tranh được cho là của Mai Trung Thứ, sắp được nhà đấu giá Tajan ở Paris đấu giá ngày 13-10 cũng đang bị một số người phản ảnh là tranh giả

Về vấn nạn tranh Đông Dương giả, Ace Lê cho biết nó có từ lâu, có lẽ khoảng cuối những năm 1990, khi tranh Đông Dương bắt đầu có giá nên có những đường dây làm giả từ đó, chứ không phải gần đây mới nhiều như vậy. Chỉ là trước đây nhiều người cũng biết hoặc nhận ra nhưng chưa lên tiếng đồng loạt như hiện nay.

Hà Châu