Câu chuyện xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản: Các chuyên gia nói gì?

(SHTT) - Mới đây, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức: “Hội nghị kết nối cung cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”. Tại hội nghị, câu chuyện xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản luôn được quan tâm.

Tại hội nghị, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 tại nhiều nước đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa ở cả chiều cung và cầu. Các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn đến từ việc cầu tiêu dùng suy giảm cũng như cả vấn đề về nguồn cung nguyên vật liệu bị đứt gãy. Một số ngành công nghiệp chế biến chịu tác động mạnh như: ngành dệt may do đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào, cầu giảm mạnh và xuất khẩu giảm sút nghiêm trọng, đặc biệt là xuất khẩu tới các thị trường chủ lực và truyền thống như Mỹ, EU; ngành da giày với đa số doanh nghiệp sản xuất da và các sản phẩm liên quan bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19.

Trong thời gian tới, các nhóm giải pháp ngắn hạn sẽ tập trung vào: Tăng cường cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại; Hỗ trợ thương nhân đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua kênh thương mại điện tử. Theo đó, Cục dự kiến sẽ tổ chức 60 phiên tư vấn về các thị trường, khu vực thị trường xuất khẩu, mục tiêu hỗ trợ tối thiểu 600 lượt doanh nghiệp, HTX tiếp cận thông tin; Tổ chức các Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo từng khu vực/ theo nhóm ngành hàng (trực tiếp kết hợp trực tuyến); Quảng bá chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể trên các kênh truyền thông trong nước và quốc tế…

 Hội nghị kết nối cung cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Đặc biệt, tại hội nghị, câu chuyện xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp cũng như giải đáp từ phía cơ quan chức năng.

Trước băn khoăn của doanh nghiệp về việc sản xuất và kinh doanh nông sản có cần làm thương hiệu riêng để phát triển thị trường hay chủ yếu dựa vào chỉ dẫn địa lý, ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trước hết DN phải xác định mặt hàng đơn vị đang sản xuất, kinh doanh là gì? Thuộc nhóm mặt hàng nào? Mặt hàng nông sản của DN có thuộc 1 chỉ dẫn địa lý nổi tiếng của Việt Nam mà đã được các nước công nhận hay chưa?

Tính đến hết năm 2020, Việt Nam đã bảo hộ 94 chỉ dẫn địa lý, trong đó có 88 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và 6 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài. Việc Việt Nam ký kết và thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) cũng mang lại cơ hội lớn cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam (phần lớn là nông sản) được bảo hộ tự động tại Liên minh châu Âu (EU) - thị trường xuất khẩu vô cùng quan trọng với 28 quốc gia thành viên.

Ông Chiến cho rằng, nếu sản phẩm của DN nằm trong danh mục chỉ dẫn địa lý được công nhận và bảo hộ thì không cần phải tập trung quá vào việc đầu tư nguồn lực xây dựng thương hiệu riêng của mình. Thay vào đó, DN có thể tận dụng chỉ dẫn địa lý để làm thương hiệu và quảng bá cho người tiêu dùng quốc tế biết tới sản phẩm của DN, qua đó giúp tiêu thụ sản phẩm tốt hơn, mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho sản phẩm.

"Còn nếu sản phẩm của DN không thuộc nhóm chỉ dẫn địa lý nổi tiếng, các DN nên có định hướng xây dựng phát triển thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình, không kể là sản phẩm nông sản mà có thể làm sản phẩm trong lĩnh vực công nghiệp hoặc dịch vụ. Nếu sản phẩm có thương hiệu tốt thì giá trị gia tăng mang lại cho DN sẽ rất cao", ông Chiến khuyến nghị.

Minh Vân