Chip giả: Vấn nạn 'đau đầu' của ngành công nghệ toàn cầu

(SHTT) - Tình trạng thiếu chip toàn cầu đã làm tăng giá linh kiện và thiết bị điện tử, nhưng có một tác động tiêu cực khác mà nguồn cung eo hẹp có thể mang lại: tràn ngập chip giả.

Bắt đầu từ khi bùng phát lần đầu tiên vào tháng 1/2020, đại dịch COVID-19 đã tấn công thế giới từ cả hai phía cung và cầu. Người sáng lập Steve Calabria của Hiệp hội các nhà phân phối điện tử độc lập (Independent Distributors of Electronics Association - IDEA), tin rằng sự siết chặt ở cả hai gọng kìm này sẽ tạo ra một làn sóng gia tăng về hàng điện tử giả, dẫn đến hậu quả là sự sụt giảm về tuổi thọ và độ tin cậy của thiết bị được chế tạo bằng các linh kiện kém chất lượng.

Cụ thể, đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều thành phố công nghiệp trên thế giới phải đóng cửa tạm thời hoặc gián đoạn, làm cho nguồn cung của cả thành phẩm và nguyên liệu thô bị hạn chế. Trong khi đó, nhu cầu đối với các sản phẩm điện tử tăng vọt do sự chuyển hướng làm việc, học tập và giải trí từ xa. Chính vì vậy vấn nạn chip giả đang khiến nền công nghệ tụt dốc.

 Chip giả: Vấn nạn 'đau đầu' của ngành công nghệ toàn cầu

Trên thị trường có 3 loại chip giả chính. Loại thứ nhất là những con chip cũ được tân trang lại. Theo nhà cung cấp chip Sun Zhenxiang, một số quốc gia có yêu cầu về tuổi thọ của thiết bị điện tử. Chúng cần được thay thế sau 3 - 5 năm sử dụng, ngay cả khi hiệu suất chip trong thiết bị vẫn ổn định. Những con chip được thay thế này sẽ được xuất khẩu sang Trung Quốc dưới dạng rác thải điện tử và sau đó được bán lại.

Khi đó, một số nhà sản xuất sẽ tái chế chip phế liệu, không đủ tiêu chuẩn, đóng gói thành "chip mới" để bán ra thị trường. Bằng cách này, chip giả dễ dàng xâm nhập vào chuỗi cung ứng điện tử vì có sẵn "hợp đồng". Mô hình này tương tự thị trường "điện thoại tân trang". Tuy nhiên, việc "tân trang" chip phải trải qua nhiều quá trình thử nghiệm, kiểm tra, đảm bảo hiệu suất đáp ứng được tiêu chuẩn nhất định.

Loại thứ hai của chip giả, kém chất lượng là những lô hàng được "nâng cấp", phù phép thành chip mới. Sau khi tái chế chip cũ, họ xoá nhãn hiệu trên chip cũ rồi đổi thương hiệu thành chip cao cấp. Lợi nhuận của những lô hàng chip giả này từ đó cũng được nhân lên nhiều lần.

Loại cuối cùng là các nhà sản xuất bắt chước con chip gốc để tạo ra một sản phẩm trông tương tự và bán ra thị trường. Những con chip nhái này kém xa chip gốc về quy trình sản xuất và hiệu năng.

Có thể thấy vấn đề với chip giả và các linh kiện có khả năng bị lỗi đang trở nên tồi tệ hơn trong bối cảnh thiếu chip toàn cầu vì các nhà sản xuất không thể phân bổ đủ năng lực sản xuất chất bán dẫn và cũng không có đủ năng lực đóng gói và kiểm tra.

Những người làm hàng giả liên tục theo dõi thị trường và hiểu sản phẩm nào đang thiếu. 

Minh Vân